1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nghệ An:

Gần 600 doanh nghiệp nợ hơn 157 tỉ đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội

Hoàng Lam

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp nợ đóng các loại bảo hiểm lên tới cả chục tỉ đồng. BHXH tỉnh Nghệ An đã chuyển hồ sơ 21 doanh nghiệp chây ỳ trách nhiệm sang công an đề nghị xử lý theo quy định.

Theo thống kê của BHXH tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 11/2020, trên địa bàn tỉnh có 594 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của 22.114 lao động với số tiền lên tới hơn 157 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị nợ ít nhất là 3 tháng, đơn vị nợ lâu nhất là 119 tháng.

Đứng đầu danh sách nợ bảo hiểm là Công ty CP đầu tư và xây dựng 24 (có trụ sở tại TP Vinh). Theo số liệu báo cáo của BHXH Nghệ An, doanh nghiệp này hiện đang nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của 8 lao động trong thời gian 104 tháng với số tiền hơn 19,5 tỉ.

Gần 600 doanh nghiệp nợ hơn 157 tỉ đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội - 1
Nợ bảo hiểm lên tới 19 tỉ đồng nhưng trụ sở theo đăng ký của Công ty CP đầu tư và xây dựng 24 "cửa đóng then cài" khiến việc thu nợ gặp khó.

Tiếp đó là Công ty CP 482 nợ gần 15,5 tỉ đồng tiền bảo hiểm của 11 lao động trong 60 tháng; Công ty CP Xây dựng và thương mại 423 nợ 55 tháng của 61 lao động số tiền gần 9 tỉ đồng; Công ty CP xây dựng thủy lợi 1 nợ 32 lao động số tiền gần 7,9 tỉ đồng trong thời gian 67 tháng; Tổng công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An nợ 36 tháng của 14 lao động số tiền hơn 5,6 tỉ đồng...

Ngoài ra có 15 doanh nghiệp có số tiền nợ bảo hiểm các loại của người lao động từ 1 tỉ đến gần 4 tỉ đồng. Công ty CP may Vinatex Hoàng Mai là đơn vị có nhiều lao động bị nợ bảo hiểm nhất với 446 lao động (hơn 440 triệu trong 3 tháng).

Ông Hoàng Quang Phúc - Trưởng phòng quản lý thu, BHXH tỉnh Nghệ An cho biết, trước khi đưa danh sách các doanh nghiệp, đơn vị nợ bảo hiểm công khai lên trang thông tin điện tử của ngành, cơ quan BHXH tỉnh thực hiện các biện pháp thu theo quy định.

Gần 600 doanh nghiệp nợ hơn 157 tỉ đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội - 2

Người lao động Công ty CP 482 tập trung tại trụ sở đòi quyền lợi. Đây cũng là doanh nghiệp đang nợ các khoản bảo hiểm số tiền hơn 15 tỉ đồng.

"Chúng tôi đã gọi điện đôn đốc; thành lập đoàn thu nợ xuống tận đơn vị đôn đốc, thành lập đoàn thanh tra xuống làm việc. Các biện pháp thu nợ đều đã được thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục cố tình chây ỳ, không chịu nộp tiền bảo hiểm cho các lao động, cơ quan BHXH tỉnh sẽ thu thập, lập hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo quy định", ông Hoàng Quang Phúc thông tin.

Thời gian vừa qua, cơ quan BHXH tỉnh đã chuyển hồ sơ nợ bảo hiểm của 21 đơn vị sang công an, đồng thời báo cáo Tỉnh ủy Nghệ An tình trạng nợ bảo hiểm của các đơn vị trên.

Theo ông Phúc, một thực tế đang diễn ra là các đơn vị nợ bảo hiểm số tiền lớn trong thời gian dài hầu như không còn hoạt động, chưa làm thủ tục phá sản, giải thể, không có phát sinh doanh thu.

"Một số doanh nghiệp, đơn cử như Công ty CP đầu tư và xây dựng 24, khi chúng tôi mời lên làm việc, người sử dụng lao động cũng hứa lên hứa xuống nhưng rồi cũng không đóng nộp các khoản bảo hiểm đang nợ", ông Phúc cho hay.

Ngoài việc đôn đốc các doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã tổ chức các buổi làm việc với các đơn vị nợ bảo hiểm với sự tham gia của đại diện công an. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng chưa đủ mạnh để buộc các đơn vị thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động.