Gần 30 cuộc ngừng việc diễn ra trong dịp Tết

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hơn một triệu người lao động ở 14 tỉnh, thành địa phương đã ở lại, không về quê đón xuân cùng gia đình. Trong dịp Tết có gần 30 cuộc đình công, ngừng việc.

Đây là thống kê của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam về tình hình quan hệ lao động và kết quả tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Hơn 99% người lao động đã quay trở lại làm việc

Theo đó, thời điểm trước Tết, vì lý do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cũng như chia sẻ cùng doanh nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất, nhiều người lao động đã quyết định ở lại địa phương nơi làm việc để đón Tết.

Tổng hợp của 14 liên đoàn lao động tại các tỉnh, thành có đông lao động ngoại tỉnh, hơn một triệu người đã không về quê trong dịp Tết, chiếm 46,69% tổng số lao động ngoại tỉnh. 

Các địa phương được thống kê gồm: Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Khánh Hòa, Long An, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Đến tuần thứ 3 của tháng 2, hơn 99% người lao động đã quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra bình thường.

Đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, với số lượng người lao động ở lại, không về quê đón Tết khá lớn, 100% các địa phương đã chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch, tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và chủ động dành nguồn lực để tổ chức các hoạt động và chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho người lao động vui xuân đón Tết.

Trong tuần đầu làm việc sau Tết, hầu hết người lao động ở các doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc bình thường, tùy theo địa phương, tỷ lệ dao động từ 85-95%.

Tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể giảm

Nhìn chung, với sự chia sẻ của người lao động và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người lao động của người sử dụng lao động nên tình hình tranh chấp lao động trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết năm 2022 giảm so với Tết năm 2021.

Tính đến trung tuần tháng 2, có 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể đã xảy ra tại 11 tỉnh, thành phố. Con số này giảm 7 cuộc so với dịp Tết năm 2021. Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp so với các năm trước. 

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu của các cuộc ngừng việc là do người lao động chưa đồng tình với doanh nghiệp trong việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ và việc trả tiền thưởng thấp hơn so với Tết năm 2021, điều kiện trả thưởng…

Điển hình là cuộc ngừng việc tập thể của 16.158 lao động xảy ra trước Tết tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai, cuộc ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Viet Glory trên địa bàn tỉnh Nghệ An với 5.000 công nhân, Công ty TNHH Vienergy trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cũng với khoảng 5.000 lao động, diễn ra sau Tết… 

Tới nay, với sự vận động, thuyết phục của các cơ quan chức năng và tổ chức công đoàn, trên tinh thần chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất, toàn bộ người lao động tại các công ty trên đã trở lại làm việc.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến ngày 26/1, 19 doanh nghiệp ở 11 tỉnh, thành phố còn nợ trên 44,5 tỷ đồng tiền lương của gần 2.000 người lao động, bình quân nợ 22,3 triệu đồng/người. Ngoài ra, 59 doanh nghiệp ở 11 tỉnh, thành còn nợ bảo hiểm xã hội với tổng số tiền là trên 82,1 tỷ đồng, của hơn 6.111 người lao động. Tính tới trung tuần tháng 2, 6/19 doanh nghiệp nêu trên đã thanh toán một phần/toàn bộ tiền nợ lương là 4,965 tỷ đồng của 658 người lao động…