Gần 11,2 triệu người giảm đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
(Dân trí) - "Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.000 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,2 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…".
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh thông tin về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại Hội nghị trực tuyến tổ chức sáng 5/8. Kết quả công bố tại Hội nghị được tính tới hết ngày 4/8.
Tính tới nay, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã được triển khai trên dưới 1 tháng. Với hơn 12 nhóm giải pháp hỗ trợ, chính sách được ví như "bà đỡ" kịp thời hướng tới người lao động, người sử dụng lao động với thủ tục thông thoáng, cởi mở.
Khẩn trương vào cuộc
Phát biểu tại đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23; ban hành đầy đủ các kế hoạch/quyết định và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp cơ sở.
Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, thực hiện đồng bộ, đầy đủ, công khai từ Trung ương đến địa phương để người dân, người lao động, doanh nghiệp và cán bộ cơ sở biết, nắm vững và thực hiện.
Người đứng đầu Chính phủ và câu chuyện ban hành chính sách hỗ trợ trong đêm
Chia sẻ câu chuyện tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kể: "Trong chuyến đi thực tế tại Long An vào tháng 7 vừa qua, lúc đó vào khoảng 21h, khi nghe lãnh đạo tỉnh Long An báo cáo kế hoạch sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trong ngày hôm sau. Thủ tướng đặt câu hỏi tại sao không triển khai ngay trong đêm mà phải chờ tới ngày mai. Điều này cho thấy sự quyết liệt, lo lắng của người đứng đầu Chính phủ đối với những khó khăn của người dân trong dịch bệnh Covid-19. Sự mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ trong việc sớm đưa chính sách hỗ trợ tới người dân nhanh lúc nào hay lúc đó. Và ngay lập tức, tỉnh Long An đã triển khai ban hành chính sách hỗ trợ ngay trong đêm".
Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam đã khẩn trương phê duyệt danh sách và chi trả hỗ trợ tiền mặt cho nhóm lao động tự do và các đối tượng đặc thù, kịp thời hỗ trợ người dân bảo đảm cuộc sống.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết một số khó khăn trong triển khai chính sách.
"Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, một số địa phương khu vực Duyên hải miền Trung và vừa qua là thành phố Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23" - Thứ trưởng nhận định.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, có những trường hợp phát sinh trong thực tế mà chưa được quy định cụ thể nên cần trao đổi nhiều với các cơ quan Trung ương.
Một số địa phương triển khai chậm, đã ban hành kế hoạch nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai ở mức độ thấp.
Việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền mặt gặp một số vướng mắc, công tác xác định điều kiện hỗ trợ đối với doanh nghiệp nằm trong khu vực cách ly y tế gặp khó khăn về cung ứng nguyên liệu.
Nhiều kết quả khả quan
Kết quả tại Hội nghị cho thấy, chỉ trong thời gian chưa lâu, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động với gần 11,2 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 124.001 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại hơn 10.600 đơn vị sử dụng lao động để làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Cũng trong khoảng 1 tháng qua, cả nước đã có 22/63 tỉnh, thành phố thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với 136 đơn vị sử dụng lao động cho 17.657 người lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng trên 108 tỷ đồng.
Cơ quan BHXH đã xác nhận cho 8.245 người lao động ngừng việc tại 288 đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Về chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em. Đến nay, 32/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo việc phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn 65.300 đối tượng F0 và F1, hỗ trợ thêm cho trên 2.600 trẻ em, với tổng số tiền ăn hỗ trợ là gần 12,1 tỷ đồng.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, có 17.389 người lao động tại 202 đơn vị sử dụng lao động được cơ quan BHXH xác nhận tình trạng tham gia BHXH làm cơ sở xét duyệt cho vay trả lương ngừng việc.
Thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội và tổng hợp từ các địa phương, có 31/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hồ sơ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 220 người sử dụng lao động (đơn vị) để trả lương 34.895 lao động, nhu cầu vay 188,35 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác. Có 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.