Đuối nước- nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ trong tai nạn thương tích

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, trong năm 2019, khoảng 2.000 trẻ em Việt Nam bị đuối nước. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trong tai nạn thương tích...

Đuối nước- nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ trong tai nạn thương tích - 1

Trong năm 2019, khoảng 2.000 trẻ em Việt Nam bị đuối nước (Ảnh: Nguyễn Trường).

Con số này được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đưa ra tại Hội thảo "Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan tổ chức sáng 15/12.

Theo Thứ trưởng Hà, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước về quyền trẻ em; có nhiều nỗ lực trong thực hiện điều ước quốc tế.

Ở thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn trong công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ nói riêng, đặc biệt là đuối nước và tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà, đất nước vẫn còn nhiều thách thức trong việc đảm bảo quyền trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn; trong đó đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trong tai nạn thương tích.

"Hàng năm, nước ta có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị đuối nước. Vì vậy công tác phòng, chống tai nạn ở trẻ em đặc biệt là đuối nước luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm" - Thứ trưởng Hà nói.

Nhắc đến chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến thời điểm hiện tại, chương trình này đã được đánh giá và xin ý kiến các bộ ngành liên quan. 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, thực hiện theo chương trình này các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố đã xây dựng chương trình kế hoạch và chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em đặc biệt là đuối nước hàng năm. Từ đó, nhận thức cộng đồng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em được nâng lên, huy động được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.

Đuối nước- nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ trong tai nạn thương tích - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại buổi hội thảo (Ảnh: Nguyễn Trường).

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều thách thức. Cụ thể, về nhận thức, kiến thức cộng đồng, kiến thức của cha, mẹ trong chăm sóc trẻ em còn hạn chế. Nguy cơ trẻ em bị đuối nước tại các gia đình, trường học, trong cộng đồng còn cao và chính trẻ em còn thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình và bạn bè; nguồn lực để thực hiện các nội dung trong công tác phòng, chống đuối nước còn ít ỏi.

"Để giảm thiểu tử vong do đuối nước đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, cơ quan trung ương. Tuy nhiên, có thể nói rằng, ở các tỉnh thành nhận được sự quan tâm của Ban Tuyên giáo, trong đó có chỉ đạo đến Sở TT&TT rồi đài truyền hình, báo… thì thấy ở địa phương đó có xu hướng tích cực hơn và thực tế khi đi chỉ đạo ở tỉnh thì điều này dễ nhận thấy" - Thứ trưởng Hà nói.

"Tôi kỳ vọng rằng, các giải pháp can thiệp tới cộng đồng sẽ hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em về kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng bơi; hỗ trợ gia đình kiến thức, kỹ năng trong giám sát quản lý trẻ em để cho mỗi gia đình đều thấy trách nhiệm bảo vệ con em mình. Đồng thời, cả xã hội cũng nhận thấy trách nhiệm của mình và chính quyền địa phương cũng quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn trong lĩnh vực này" - lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ.

Đuối nước- nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ trong tai nạn thương tích - 3

Bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Nguyễn Trường).

Tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển

Tại hội thảo, bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, trong 10 năm qua, tại Việt Nam, với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, số trẻ em tử vong do đuối nước đã giảm. Vào năm 2010 với con số 3.300 trẻ em tử vong do thì đến năm 2019 là hơn 2.000 em.

"So với 10 năm trước, tỉ lệ trẻ em tử vong đã giảm nhưng còn cao và nhóm tử vong do đuối nước dẫn đầu trong tai nạn thương tích, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất. Dù thu được nhiều thành quả trong công tác này nhưng vấn đề trẻ em tử vong do đuối nước ở nước ta vẫn cao gấp 10 lần các nước phát triển" - bà Hoa thông tin.

Để định hướng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, Phó Cục trưởng Vũ Thị Kim Hoa đề nghị cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em.

Xây dựng môi trường an toàn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Tăng cường tư vấn, hướng dẫn trẻ em kỹ năng an toàn trong môi trường nước, dạy bơi cho trẻ em; tăng cường giám sát và quản lý trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Tổ chức bàn giao, quản lý trẻ em trong dịp hè…

Đuối nước- nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ trong tai nạn thương tích - 4

Quang cảnh buổi Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Trường).

Cũng trong sáng nay, bà Đoàn Thị Thu Huyền - Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) - đã có những chia sẻ kinh nghiệm triển khai các can thiệp hiệu quả về phòng, chống đuối nước trẻ em. Đại diện tổ chức này cam kết đồng hành hỗ trợ chương trình để công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em được triển khai rộng khắp toàn quốc.

Bên cạnh đó, các đại biểu, đại diện Ban Tuyên giáo tại địa phương đã tích cực đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệp và giải pháp trong công tác tuyên truyền, phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Kết luận hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Sau khi nêu ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác này, bà Mai đề nghị trong chỉ đạo tuyên truyền, các cơ quan có liên quan cần tránh việc hình thức, tuyên truyền kiểu "lướt sóng". Thay vào đó, cần tập trung nhiều hơn về nội dung truyên truyền; ngoài kiến thức về kĩ năng bơi cần phổ biến thêm kiến thức khác…