1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đưa người hấp hối về quê bị gây khó dễ, gia đình phải chi 20 triệu đồng?

Quốc Triều

(Dân trí) - Thông tin Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi gây khó dễ khiến một người dân mất 20 triệu đồng đưa người thân hấp hối về đảo Lý Sơn gây xôn xao dư luận. Phía Cảng vụ bác bỏ thông tin này.

Trưa 20/8, tài khoản facebook P.T. đăng tải thông tin về việc bị Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi gây khó dễ khi gia đình đưa một người thân đang hấp hối về đảo Lý Sơn.

Nội dung bài viết cho rằng, một người dân đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn) đang hấp hối. Người thân muốn đưa bệnh nhân này về quê nhanh nhất có thể để được ra đi thanh thản tại nhà.

Sáng 20/8, bệnh nhân được đưa đến cảng Sa Kỳ để đi tàu ra đảo Lý Sơn. Theo cấp phép, tàu khách tuyến này chỉ cập bến ở đảo Lớn, trong khi đó, nhà của bệnh nhân ở đảo Bé (cách đảo Lớn khoảng 3 hải lý). Do đó, người nhà nhờ chủ tàu sau khi trả khách, hàng hóa xong thì đưa bệnh nhân về đảo Bé.

Tài khoản P.T cho rằng, chủ tàu đã đồng ý với phương án nói trên nhưng phía Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi không đồng ý. Sự việc chỉ được giải quyết khi người nhà của bệnh nhân phải chi 20 triệu đồng thuê riêng một chuyến tàu về đảo Bé.

Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là người dân huyện đảo Lý Sơn. Phần lớn ý kiến bày tỏ bức xúc, yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.

Đưa người hấp hối về quê bị gây khó dễ, gia đình phải chi 20 triệu đồng? - 1

Người nhà bệnh nhân cho rằng do bị Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi gây khó dễ nên phải thuê riêng chuyến tàu giá 20 triệu đồng đưa người thân đang hấp hối về đảo Lý Sơn (Ảnh: Quốc Triều).

Trước thông tin nói trên, phóng viên Dân trí đã liên hệ với chủ tàu vận chuyển bệnh nhân, Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi cũng như UBND huyện Lý Sơn để tìm hiểu sự việc.

Ông Trần Đình Xem, chủ tàu Super 2 Biển Đông cho biết, sự việc xảy ra trên chuyến tàu khởi hành từ cảng Sa Kỳ đi Lý Sơn lúc 7h30 ngày 20/8. Chuyến tàu này có 152 hành khách, nhiều hàng hóa và một bệnh nhân nhà ở đảo Bé đang hấp hối.

Lúc này, thuyền trưởng tàu Super 2 Biển Đông xin ý kiến và được chủ tàu đồng ý hỗ trợ đưa người bệnh về đảo Bé. Theo đó, tàu Super 2 Biển Đông cập cảng ở đảo Lớn để trả khách, hàng hóa sau đó chở bệnh nhân về đảo Bé. Phương án này được Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi đồng ý.

"Người nhà bệnh nhân muốn về đảo Bé sớm nhất có thể nên họ không đồng ý với việc cập bến ở đảo Lớn trước, sau đó đi đảo Bé. Do đó, chúng tôi đã thảo luận và người nhà thống nhất thuê riêng một tàu vận chuyển bệnh nhân", ông Xem nói.

Theo ông Xem, cầu cảng đảo Bé chưa được khảo sát, cấp phép cho loại tàu như Super 2 Biển Đông có thể cập bến. Trong khi đó, trên tàu có hàng trăm hành khách nên chủ tàu không thể mạo hiểm cập bến đảo Bé để đưa bệnh nhân lên trước.

Sau đó, người nhà bệnh nhân đã thuê một chiếc tàu khác của ông Xem để về đảo Bé. Chi phí thuê tàu khoảng 20 triệu đồng.

Giải thích về "chuyến tàu hỗ trợ" có mức phí tới 20 triệu đồng, ông Xem quả quyết khoản đó chỉ đủ tiền nhiên liệu cho tàu chở bệnh nhân từ đất liền ra đảo rồi quay lại. Mức giá này là phù hợp, không phải "chặt chém".

Ngày 21/8, ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi cho biết đã ký văn bản đề nghị UBND huyện Lý Sơn chỉ đạo công an điều tra, xử lý người thông tin sai lệch về sự việc nêu trên.

Ông Lương nói, thông tin trên mạng xã hội cho rằng Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi không cho tàu Super 2 Biển Đông đưa người bệnh từ đảo Lớn sang đảo Bé là không đúng sự thật. Việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi.

 Liên quan đến sự việc, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương xác nhận đã chỉ đạo công an điều tra, làm rõ thông tin vụ việc.

Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền khoảng 17 hải lý. Đây là huyện áp dụng mô hình chính quyền không có cấp xã.

Huyện bao gồm đảo Lớn và đảo Bé với diện tích hơn 10km2, dân số khoảng 22.000 người. Đảo Bé cách đảo Lớn khoảng 3 hải lý.

Người dân, du khách muốn đến đảo Bé phải đi tàu tuyến cảng Sa Kỳ - Lý Sơn (cập cảng tại đảo Lớn). Sau đó, mua vé cano đi từ đảo Lớn sang đảo Bé. Hành trình này mất khoảng 15 phút.

Do năng lực ngành y tế của huyện đảo còn hạn chế nên một số trường hợp người bệnh nặng phải chuyển vào đất liền điều trị. Thời điểm tàu khách không hoạt động, bệnh nhân nặng muốn vào đất liền cấp cứu phải thuê riêng một chuyến tàu với giá 18-20 triệu đồng.