1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thanh Hóa:

Đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ cây luồng

Bình Minh

(Dân trí) - Trong 5 năm qua, nhờ phục tráng cây luồng, hơn 100 hộ dân miền núi ở xã Tam Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa) đã thoát nghèo, nâng mức thu nhập lên từ 30-60 triệu đồng/năm.

Nhờ luồng, hơn 100 hộ thoát nghèo

Năm 2016, gia đình ông Hà Văn Hinh (bản Hậu, xã Tam Lư) trồng 1 ha luồng kinh tế nhưng do phương thức trồng đã cũ, kinh nghiệm chưa có cùng với việc thiếu vốn nên gặp rất nhiều khó khăn.

Đang lúc loay hoay không biết tìm cách nào để có thể phát triển cây luồng, ông Hinh đã được chính quyền địa phương hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mua phân bón và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong thâm canh, phục tráng.

Nhờ đó, năm 2018, ông Hinh trồng thêm 4 ha luồng, vầu, keo, kết hợp chăn nuôi lợn, gà với quyết tâm sẽ xây dựng mô hình phát triển kinh tế rừng đồi, lấy cây luồng làm cây mũi nhọn.

Đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ cây luồng - 1

Toàn xã Tam Lư hiện có hơn 1.000 ha luồng.

Đối với cây luồng, mỗi năm, gia đình ông khai thác 2 đợt. Đến nay, trang trại của ông Hinh đã mở rộng lên 6 ha trồng luồng, vầu, keo, cây ăn quả kết hợp nuôi lợn, gà. Trang trại của ông cho thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/năm, riêng luồng cho thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/năm.

"Bà con chúng tôi ban đầu trồng cây luồng chỉ để chống xói mòn, sạt lở đất khi mùa mưa lũ đến. Sau này mới phát hiện cây luồng mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con, nhờ cây luồng, bà con đã xóa được đói, giảm được nghèo", ông Hinh nói.

Trước đó, gia đình ông Hà Văn Oi (bản Hậu) là hộ nghèo nhiều năm liền. Khi tiếp cận với mô hình trồng luồng, gia đình ông là một trong những gia đình đầu tiên nhờ cây luồng mà thoát nghèo. Hiện nay, gia đình ông Oi là hộ trồng luồng nhiều nhất trong xã với 5 ha.

Được biết, toàn xã Tam Lư có hơn 550 hộ trồng cây luồng. Các hộ thu nhập từ rừng luồng đạt từ 30- 60 triệu đồng/năm.

2543e94cd1a424fa7db5.jpg

Cây luồng được xem là "cây thoát nghèo" của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn.

Theo ông Vi Văn Thạnh, Chủ tịch UBND xã Tam Lư, tổng diện tích rừng luồng trên địa bàn xã là 1.830 ha. Nhờ được UBND huyện Quan Sơn hỗ trợ nguồn vốn mua phân bón cho các hộ dân và chuyển giao khoa học kỹ thuật nên trong 5 năm qua xã đã thâm canh, phục tráng được 480 ha rừng luồng, số măng ra nhiều hơn lúc chưa phục tráng và đem lại giá trị kinh tế cao.

"Xã Tam Lư có tới 96% đồng bào dân tộc Thái. Trong 5 năm qua, toàn xã có khoảng hơn 100 hộ nhờ cây luồng mà thoát nghèo. Nếu như 5 năm trước, tỉ lệ hộ nghèo là hơn 40% thì hiện nay xã chỉ còn 4,8%", ông Thạnh cho biết thêm.

Nâng mức thu nhập người dân

Theo UBND huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016-2021, toàn huyện đã ban hành chương trình chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh, phục tráng nhằm hỗ trợ phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho người dân trồng luồng.

Bên cạnh đó, UBND huyện Quan Sơn cũng vận động các hộ dân người dân tộc thiểu số tham gia trồng cây luồng và thu hút đầu tư mở rộng mạng lưới chế biến lâm sản đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng.

Toàn huyện hiện có gần 14.000 ha rừng luồng, chủ yếu tại các xã Tam Lư, Trung Thượng, Trung Hạ, Trung Tiến. Đã phục tráng được từ 3.000-4.000 ha rừng luồng với 1.876 hộ gia đình tham gia. Riêng năm 2020, phục tráng 1.000 ha rừng luồng với 729 hộ tham gia trong năm đầu tiên.

Nhiều hộ dân tộc thiểu số đã thoát nghèo nhờ trồng cây luồng với thu nhập từ 40-60 triệu đồng/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện lên khoảng 32 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn, cây luồng hiện là một trong số các cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn. Thời gian tới, chính quyền huyện Quan Sơn tiếp tục phục tráng, thâm canh rừng luồng, qua đó mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.