Đọc tin vụ cháy khu trọ, lao động nghèo ở nhà thuê sợ "tới lượt mình"
(Dân trí) - Chị Linh toát mồ hôi nghĩ, nếu có hỏa hoạn xảy ra tại khu trọ chật hẹp của mình thì không biết phải chạy đường nào. Xóm trọ phập phồng mong... nỗi sợ chóng qua.
Không lối thoát
Hơn 12h một ngày cuối tuần, chị Nguyễn Phương Linh (27 tuổi) nằm thở hổn hển ở phòng trọ chưa đầy 15m2, nóng như lửa đốt. Căn trọ của chị Linh nằm trong con hẻm nhỏ ở TPHCM, lái xe phải rẽ, lách đôi ba lần mới đến nơi.
Lướt điện thoại đọc tin vụ cháy nhà trọ ở Hà Nội, hướng dẫn các cách thoát hiểm, chị Linh liên tục gạt mồ hôi. "Coi như chưa thấy gì", chị cười trừ.
Nói cho qua chuyện là thế, nhưng trong lòng chị lúc nào "dậy sóng". Càng đọc chị Linh càng bùi ngùi đau xót với các nạn nhân, nơm nớp lo sợ khi bản thân cũng đang sống trong một khu trọ ọp ẹp, không lối thoát.
Chị kể, dãy trọ có 7 phòng, nằm trong một con hẻm cụt. Phòng trọ chật hẹp nhưng phòng nào cũng ghép chí ít là 2 người.
Từ phòng trọ hướng ra ngoài, chỉ có một lối thoát là cửa chính. Căn phòng không cửa sổ, không ban công, thậm chí không ô thoáng hay kính mái để lấy ánh sáng trời. Lối đi chính cũng rất hẹp, chỉ đủ một xe máy hoặc 2 người đi bộ tránh nhau.
"Ở đây, nhà tắm chung chỉ được che bằng một tấm màn. Cửa nhà tắm còn không có, nên không mơ đến chuyện chủ trọ lắp hệ thống báo cháy, phòng hỏa hoạn nào. Tôi nghĩ dại, lõ có biến, quả thật cũng không biết lực lượng chức năng có thể tiếp cận, cứu hộ cách nào", chị Linh nói.
Hoài Thu (20 tuổi, quê tại tỉnh An Giang), sinh viên một trường cao đẳng ở TPHCM, cũng chia sẻ mối lo sợ ngày đêm sau những vụ việc thương tâm xảy ra.
Nữ sinh hiện ở một phòng trọ trong tòa nhà 4 tầng. Khu trọ này có hàng chục sinh viên, người lao động đang sinh sống. Căn trọ nơi thành phố tấc đất tấc vàng không có cửa sổ, ban công hay bất kỳ lối thoát hiểm nào ngoài hành lang chung nhỏ hẹp.
"Thực sự tôi cũng sợ không may có hỏa hoạn xảy ra. Khu nhà có trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy nhưng nhìn vẫn không yên tâm. Giống mô hình những khu nhà từng xảy ra sự cố, tòa nhà này cũng có 4 tầng, tầng trệt là chỗ để xe, lúc nào cũng đậu kín phương tiện", Thu nói.
Chấp nhận sống trong lo sợ
Hoài Thu băn khoăn lắm nhưng tính đi tính lại vẫn không thể chuyển trọ đi nơi khác, vì tài chính chỉ cho phép ở mức dưới 2 triệu đồng/tháng. Ba mẹ ở quê liên tục gọi điện hối thúc Thu bỏ phố về nhà hoặc ít nhất là chuyển trọ, Thu ậm ừ cho bố mẹ an tâm nhưng thấy rõ, với mức tiền đó, chuyển đâu cũng vậy.
Với Linh, chị bộc bạch gia cảnh, ba mẹ là người lao động tay chân, buôn bán nhỏ ở chợ, cả nhà dồn lực mới lo được mình chị đi học, có bằng cấp và đi làm văn phòng. Hằng tháng, thu nhập chung của cả nhà ngót nghét 12 triệu đồng, chỉ đủ chi tiêu cho việc ăn uống. Vì thế, căn trọ giá rẻ cũng là chuyện không thể khác.
"Ba mẹ buôn bán lâu năm ở khu chợ gần đây nên chúng tôi có muốn chuyển đi nơi khác sau những vụ việc thương tâm vừa qua cũng rất khó. Sợ thì có sợ nhưng chỉ có thể dặn nhau cẩn thận, tập phản ứng nhanh để kịp chạy thoát lỡ không may có chuyện.
Mỗi lần đọc tin cháy ở đâu đó, chúng tôi cũng sợ sẽ tới lượt mình. Nhưng thôi đành để mặc cho số phận. Mong nỗi sợ sớm nguôi", chị thở dài.
Chị Linh kể rằng, có nhiều người ở chung trọ vô ý thức đến mức mang những vật dụng gây cháy, nổ vào trong. Nhưng dù bức xúc, không ai dám góp ý, lỡ lại mâu thuẫn dẫn đến xô xát.
"Các phòng trọ được ngăn bằng gỗ ván ép, được đúc giả như tường. Có lần tôi thấy người ở trọ ngồi đốt giấy cạnh tường mà toát mồ hôi vì sợ.
Sự cố cũng đã xảy ra, một lần, phần tường phía trước bị cháy, may mắn được dập tắt kịp. Thời khắc kinh khủng đó, tôi mới nghĩ, nếu cháy lớn thì chắc mình bỏ mạng trong này. Gần 20 con người cùng ùa ra bằng con đường nhỏ hẹp ấy, trong lúc khói lửa mù mịt, làm sao mà chạy kịp?", chị Linh lau mồ hôi rịn ra trên trán.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu