Điều ước ngày Tết có thùng mì, bao gạo vì "nhà em hết gạo rồi"
(Dân trí) - Một ngày cuối năm, thầy giáo ở lớp học tình thương ra đề bài viết về điều ước ngày Tết. Trong đám học sinh, có cậu nhóc ước "1 thùng mì và 1 cái áo", có cô bé ước "1 bao gạo vì nhà em sắp hết gạo"...
Một buổi tối trong lớp học tình thương Ngọc Việt ở phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM, đứng trước bục giảng là thầy giáo Huỳnh Quang Khải, 32 tuổi, người lập ra lớp học từ 15 năm trước. Sau này, khi trở thành một hướng dẫn viên du lịch, lập gia đình, anh vẫn giữ lửa lớp học để dạy chữ cho hàng trăm đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở TPHCM.
"Ước mơ ngày Tết của em là gì?", thầy giáo Khải ra đề bài cho buổi học. Hơn 40 đứa trẻ ở độ tuổi cấp 1 ngồi bên dưới cảm thấy hơi lạ lẫm, chúng nhìn nhau bàn luận một hồi. Sau đó, từng đứa bắt đầu nghĩ về mong muốn của riêng mình, đặt bút lên mảnh giấy nháp, nắn nót viết điều ước ngày Tết.
Chừng 10 phút sau, thầy giáo Khải thu lại những mẩu giấy rồi tiếp tục buổi học như mọi ngày. Giờ nghỉ giải lao, cầm trên tay những mẩu giấy ghi ước mơ của đám học trò, thầy Khải không kìm được xúc động.
"Có cô nhóc ước có 1 bao gạo vì "nhà đã hết gạo". Cậu bé khác ước bộ đồ Tết vì "em chưa bao giờ được ba mẹ sắm đồ Tết". Có đứa trẻ chỉ ước một thùng mì gấu đỏ… Những thứ đó có thể rất đỗi bình thường với trẻ được sinh ra trong các gia đình bình thường. Còn ở lớp tình thương, các em đều là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn... Ước muốn của các em chỉ đơn giản thế", anh Khải chia sẻ.
Suốt 15 năm mở lớp học tình thương, đây là lần đầu tiên anh Khải ra một đề bài đặc biệt như thế cho học sinh của mình. Những năm trước, anh Khải thường xin nhà hảo tâm những phần quà Tết tặng cho bọn trẻ mang về nhà. Năm nay, một nhà hảo tâm ngỏ ý với anh muốn tặng quà Tết cho bọn trẻ nhưng thầy giáo trẻ chưa biết nên tặng gì.
"Hằng tháng, tôi có cho các em ăn một vài bữa ăn ngon ở tiệm, dẫn các em đi tham quan. Nhà hảo tâm cũng hay tặng quà, đồ dùng học tập cho các em. Tuy không được đủ đầy như những đứa trẻ khác nhưng ở lớp tình thương, các em cũng được nhận nhiều món quà ý nghĩa", anh Khải tâm sự.
Suy nghĩ nhiều ngày liền, cuối cùng, anh Khải quyết định để bọn trẻ viết điều ước về những thứ mà chúng đang muốn có. Điều kiện là các ước mơ phải thiết thực, nằm trong khả năng thực hiện mà thầy giáo có thể mua được với tầm giá khoảng 300.000-400.000 đồng.
Vậy là các em đã viết ra những điều ước, giản đơn như chính tâm hồn tuổi thơ của chúng. Chúng muốn có quần áo, giày dép và đồ chơi mới cho bản thân. Có đứa lại lo xa hơn, bằng việc quan sát cuộc sống khó khăn của gia đình nên ước có kem đánh răng, gạo hay một lần được tổ chức sinh nhật cùng với gia đình…
Những đứa lớn hơn thì ước có xe đạp để tự đi học mà không cần ba mẹ phải đưa đón. Và cũng có cả những ước mơ rất đỗi xa vời như: "Con ước cho ba con được sáng mắt vì ba đã mù từ rất lâu rồi". Tuy nhiên, với những điều ước như vậy, anh Khải giải thích cho các em và trao giấy để em viết lại một điều ước thiết thực hơn mà thầy có thể thực hiện được.
"Khi được cho cơ hội để viết lại ước mơ, có học sinh chuyển từ việc ước 1 thùng mì tôm đắt tiền sang một loại khác rẻ hơn. Chắc là sợ thầy không đủ tiền mua", anh Khải xúc động kể.
Những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ở lớp học tình thương Ngọc Việt chắc hẳn có những ước mơ khác lớn hơn. Nhưng ngay lúc này, đó là những điều ước thực tế nhất mà chúng có thể viết ra và thầy giáo, nhà hảo tâm cũng có thể giúp hiện thực hóa.
Những điều ước được cố gắng viết ra một cách rõ ràng, thuyết phục nhất để mong thầy giáo hay bất kỳ ai có thể giúp chúng thực hiện.
"Em muốn có áo để về quê ăn Tết cùng ông bà và mẹ. Tại vì em không có bộ đồ Tết nào. Em mong có 1 chiếc áo thôi ạ. Em chỉ có một ước mơ đó thôi, em xin hết ạ", một đứa trẻ viết vào mẩu giấy.