Điểm sáng giảm nghèo khu vực miền núi ở Quảng Ngãi

Quốc Triều

(Dân trí) - Giảm nghèo ở miền núi là một trong những nhiệm vụ khó khăn. Tuy vậy, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ này. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,93% vào năm 2015 xuống còn 20,52% vào năm 2020.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác định giảm nghèo bền vững, trong đó ưu tiên các huyện miền núi là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Kết luận số 31 về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở các huyện miền núi.

Trên cơ sở đó phấn đấu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo tại khu vực miền núi. Chỉ tiêu này tuy khá cao nhưng trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện đạt và vượt với tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm lên đến 5,25%.

Điểm sáng giảm nghèo khu vực miền núi ở Quảng Ngãi - 1

Được hỗ trợ từ các chính sách giảm nghèo, người dân vùng cao Quảng Ngãi nỗ lực làm kinh tế để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững

 Sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả của ngành lao động, thương binh và xã hội, cũng như các huyện miền núi chính là yếu tố then chốt giúp Quảng Ngãi đạt được thành công nói trên. Một trong những điểm sáng về giảm nghèo ở Quảng Ngãi phải kể đến huyện miền núi Sơn Hà.

Suốt 5 năm qua, huyện Sơn Hà đã chủ động phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gia tăng chuỗi giá trị, làm tiền đề xây dựng nông thôn mới. Bình quân mỗi năm huyện huy động trên 10 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình để hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho người dân. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị.

Theo ông Phùng Tô Long – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, huyện là địa phương đầu tiên tại Quảng Ngãi đưa nông sản của người dân vào các hệ thống siêu thị lớn. Điều này đã nâng cao giá trị nông sản của người dân, giải quyết bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa. Đây là một trong những giải pháp then chốt giúp huyện Sơn Hà giảm nghèo bền vững.

 Nhờ đó, tuy có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện còn dưới 21,3%. Năm 2018, huyện Sơn Hà được Chính phủ công nhận thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.

Điểm sáng giảm nghèo khu vực miền núi ở Quảng Ngãi - 2

Tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực miền núi Quảng Ngãi giảm mạnh qua các năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể

 Không chỉ riêng tại huyện Sơn Hà, các đề án, mô hình giảm nghèo còn được triển khai thực hiện hiệu quả ở các huyện miền núi khác ở Quảng Ngãi. Trong đó, ưu tiên hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn tại các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ…

Nổi bật là đề án khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua 2 năm triển khai đã có hơn 1.200 hộ nghèo tham gia đề án thoát nghèo.

Điểm sáng giảm nghèo khu vực miền núi ở Quảng Ngãi - 3

Giảm nghèo ở miền núi là điểm sáng của tỉnh Quảng Ngãi trong nhiệm kỳ 2015 – 2020

Theo ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, những chính sách, cách làm phù hợp đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Quảng Ngãi trong nhiệm kỳ qua giảm nhanh. Bình quân mỗi năm giảm 5,25%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 19 đề ra. Kết quả này là động lực quan trọng và có ý nghĩa để người dân các huyện miền núi tiếp tục nỗ lực vươn lên trong làm ăn kinh tế, thoát nghèo bền vững.

“Các đề án, chương trình giảm nghèo được tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đạt hiệu quả tốt. Hàng ngàn hộ dân được hưởng lợi từ các chương trình, đề án đã thoát nghèo bền vững. Kết quả này sẽ giúp lan tỏa, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Từ đó tác động tích cực đến công tác giảm nghèo trong giai đoạn tới”, ông Lương Kim Sơn cho biết.