1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Dịch phức tạp, càng cần đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân..."

Xuân Hinh

(Dân trí) - Theo Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt (Bộ LĐ-TB&XH), cần đẩy nhanh triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với mục tiêu không để người dân bị thiếu đói, đứt bữa; tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt tại phía Nam của Bộ - những ngày qua, Tổ thường xuyên đôn đốc các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhóm chính sách cho người dân, người lao động và người sử dụng lao động.

Hiện, 19/19 tỉnh, thành phía Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do một số địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên công tác chi hỗ trợ đang bị chậm.

Dịch phức tạp, càng cần đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân... - 1

Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn vì dịch Covid-19. 

Để đẩy nhanh hơn nữa việc hỗ trợ người dân, theo Tổ công tác nên phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm 1, các địa phương ảnh hưởng nặng do đại dịch Covid 19 và đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. Nhóm 2, các địa phương bị ảnh hưởng cục bộ tại một số địa bàn. Nhóm 3, các địa phương bị ảnh hưởng không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, nơi đời sống người dân cơ bản được đảm bảo.

Việc chia nhóm như trên sẽ làm cơ sở cho việc chỉ đạo, đôn đốc, giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết 68, không đánh đồng việc tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ, tạo áp lực cho các địa phương và tránh trục lợi chính sách.

Theo Tổ trưởng Tổ công tác, lúc này càng cần phải đẩy nhanh việc triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 với mục tiêu không để người dân bị thiếu đói, đứt bữa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh trên cơ sở đáp ứng các điều kiện "3 tại chỗ" và "một cung đường 2 điểm đến".

Dịch phức tạp, càng cần đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân... - 2

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng cần đảm bảo an toàn tại các công ty đang triển khai "3 tại chỗ". 

"Về hoạt động "3 tại chỗ" tại các doanh nghiệp phía Nam, Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH đồng tình với quan điểm của các tỉnh đang triển khai là doanh nghiệp nào không đáp ứng an toàn phải dừng hoạt động. Đồng thời, các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an sinh xã hội tại các khu cách ly của các doanh nghiệp, đảm bảo đời sống của người lao động", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Tiếp đó, các địa phương thực hiện nghiêm công văn số 2402/LĐTBXH-VP ngày 26/7/2021 của Bộ về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở xã hội; xem xét ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ, nhân viên và đối tượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, quản lý tại tất cả các cơ sở cai nghiện, cơ sở trợ giúp xã hội.

Ngày 24/7, Tổ công tác cũng đã ban hành công văn yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH của 19 tỉnh, thành phố phía Nam báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid 19 tại các cơ sở xã hội thuộc quyền quản lý. Cùng với đó, các tỉnh cần phối hợp với ngành công an và các Sở, ngành có liên quan tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn tại các cơ sở xã hội.

Theo Tổ công tác, đến nay, TPHCM là địa phương triển khai nhanh nhất và hiệu quả nhất gói hỗ trợ. TPHCM  đã hoàn thành 100% chính sách giảm đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 36.830/47.180 lao động (đạt tỷ lệ 78,06%) với kinh phí hơn 74 tỷ đồng.

TPHCM cũng đã hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với 137/1.311 lao động (đạt tỷ lệ 10,45%) với kinh phí 284 triệu đồng. 

Hỗ trợ 308.092 lao động tự do (đạt tỷ lệ 100%) với kinh phí hơn 462 tỷ đồng. 

Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0).

Chính sách hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chính sách lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.