Đi du lịch nước ngoài 2 tháng khi thất nghiệp có được nhận trợ cấp?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, Hoài Anh lên kế hoạch đi du lịch nước ngoài 2 tháng. Tuy nhiên, cô sợ trong thời gian này sẽ không được nhận trợ cấp.

Theo quy định, hằng tháng, Hoài Anh phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để thông báo tình trạng tìm kiếm việc làm thì mới được tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, nếu đi nước ngoài thì Hoài Anh không thể đến trung tâm để thông báo tình trạng việc làm.

Hoài Anh thắc mắc: "Có cách nào thông báo thất nghiệp mà không cần lên trực tiếp tại trung tâm không? Hoặc có cách nào bảo lưu 2 tháng, sau đó tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp khi đi du lịch về không?".

Trong trường hợp không có cách nào, Hoài Anh quyết định vẫn đi và không nhận trợ cấp trong 2 tháng đi du lịch. Cô hỏi: "Sau 2 tháng trên, tôi có tiếp tục được nhận những tháng còn lại không hay sẽ bị chấm dứt chi trả bảo hiểm thất nghiệp hoàn toàn?".

Đi du lịch nước ngoài 2 tháng khi thất nghiệp có được nhận trợ cấp? - 1

Khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để thông tin tình hình việc làm, người lao động được tư vấn, kết nối giải quyết việc làm (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Khoản 1 Điều 52 Luật Việc làm quy định trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo đó, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm (nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp) về việc tìm kiếm việc làm.

Có 2 trường hợp người lao động không phải thực hiện việc thông báo tìm kiếm việc làm.

Thứ nhất, người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Thứ hai, trong trường hợp bất khả kháng (Theo Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép).

Trường hợp chị Hoài Anh hỏi được quy định rõ hơn tại Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết việc thi hành Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp; được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP.

Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Theo đó, người lao động sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.

Trong thời gian tạm dừng này, người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, Điều 20 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định về việc tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo đó, trong trường hợp người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp vì không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định, nếu vẫn còn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng thì tiếp tục được hưởng trợ cấp thất nghiệp cho thời gian còn lại.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày người lao động đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội quyết định về việc tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Quyết định về việc tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp được trung tâm dịch vụ việc làm gửi 1 bản đến BHXH cấp tỉnh để thực hiện tiếp tục chi trả trợ cấp thất nghiệp và 1 bản đến người lao động.

Tuy nhiên, việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng có thời hạn. Theo Điểm e Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người lao động sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có 3 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm.