Đề xuất tăng lương tối thiểu thêm 6% từ 1/7
(Dân trí) - Chỉ sau 2 Phiên đàm phán trong cùng tháng 3 và 4, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 đã được thống nhất. Đặc biệt, thời gian đề xuất tăng lương áp dụng ngay từ tháng 7 năm nay.
Trao đổi với báo giới ngay sau cuộc họp sáng 12/4, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, sau nhiều giờ đàm phán và bỏ phiếu, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng (nếu được thông qua) sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng I tăng thêm 260.000 đồng, Vùng II tăng thêm 240.000, Vùng III tăng thêm 210.000 đồng, Vùng IV tăng thêm 180.000 đồng.
"Về thời điểm, lương tối thiểu vùng dự kiến được tăng từ 1/7/2022, áp dụng tới 31/12/2023. So với kỳ vọng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức tăng chưa đạt được như đề xuất nhưng đó cũng đã thể hiện sự đồng thuận, ủng hộ của người lao động trước những khó khăn của doanh nghiệp", ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Về phía đại diện người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mức đề xuất tăng 6% được thống nhất đã là một nỗ lực lớn của 2 bên. Đặc biệt, với việc này, giới chủ sử dụng lao động sẽ phải điều chỉnh nhiều chỉ tiêu trong bối cảnh nhiều khó khăn do Covid-19 trong 2 năm qua.
Trước đó, trao đổi với báo giới trước giờ họp, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn kỳ vọng lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng từ 1/7/2022 với mức từ 7-8%.
Lý do của mức đề xuất trên, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
Tiền lương tối thiểu hiện vẫn đang được thực hiện theo quy định của Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Trong khi đó, đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động và gia đình họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp, nhưng sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn" - ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Bên cạnh mức đề xuất lương tối thiểu vùng, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị xem xét, bổ sung khoản trích đóng bảo hiểm bắt buộc các loại trừ vào lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tổng cộng: 10,5%) để tính vào mức sống tối thiểu của người lao động ở một tỷ lệ thấp nhất có thể, ví dụ là 0,5% - 1%, để bù đắp phần nào cho chi phí mức sống tối thiểu của người lao động trong thực tế.
Cũng liên quan tới đề xuất lương tối thiểu vùng, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, VCCI cho biết, lương tối thiểu sẽ được cân nhắc điều chỉnh tăng và thời điểm xem xét có thể vào đầu năm 2023 cho phù hợp năm tài chính.
Bà Vi Thị Hồng Minh cho rằng, thông thường, đầu năm, các doanh nghiệp có một số xáo trộn như tuyển mới công nhân để bù cho số đã nghỉ. Tiền lương điều chỉnh vào thời điểm này có thể giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân lao động để ổn định sản xuất cả năm.
"Do đó, nếu điều chỉnh quá gấp gáp sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó", bà Minh nói.
Cũng theo đánh giá của Văn phòng giới sử dụng lao động, lương tối thiểu vùng chủ yếu ảnh hưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhóm chịu tiêu cực nhất từ đại dịch và khoảng 10 triệu người ở khu vực quan hệ lao động không bền vững.
"Nhiều doanh nghiệp đang trả cao hơn mức chung và không phải điều chỉnh lần nữa theo quy định của nhà nước. Nếu điều chỉnh lương tối thiểu vùng chưa chắc tổng thu nhập thực nhận của người lao động sẽ cao lên…", bà Vi Thị Hồng Minh nói.
Được biết, lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020, với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.