Đề xuất dành hơn 400 tỉ đồng tặng quà người có công dịp 27/7
(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai mức quà tặng người có công với cách mạng, tổng dự toán kinh phí hơn 400 tỉ đồng.
Đề xuất 2 mức quà tặng người có công
Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Chính phủ đề xuất trình Chủ tịch nước tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 và 27/7/2022).
Theo tham mưu của Cục Người có công, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai mức quà là 600.000 đồng và 300.000 đồng, tổng kinh phí hơn 400 tỉ đồng.
Cụ thể, mức quà 600.000 đồng dành tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và những cá nhân đã có quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trước ngày 28/7/2021 nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Các đối tượng khác trong nhóm này là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Mức quà 300.000 đồng dành tặng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động.
Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Đại diện thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân).
Kế hoạch tổ chức kỷ niệm 75 ngày Thương binh - Liệt sĩ
2022 là tròn 75 năm ngày hực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày "Thương binh", khi đại biểu Tổng bộ Việt Minh đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày "Thương binh toàn quốc". Kể từ cuộc mít tinh với 2.000 người tham dự chiều ngày 27/7/1947 tại huyện Đại Từ (Bắc Thái - cũ) đến nay, ngày "Thương binh" đã được tổ chức trọng thể thường kỳ hàng năm.
75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa," "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng".
Thống kê của Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực, hiện cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, chiếm khoảng 10% dân số, được hưởng chính sách ưu đãi. Trong số này, gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng; 4.183 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (đến tháng 5/2021).
Trên cả nước đã và đang xuất hiện những việc làm sâu nặng nghĩa tình, từ các em thiếu nhi đến những người cao tuổi; từ các xóm, ấp, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể, mặt trận và các tổ chức xã hội… đâu đâu cũng dấy lên phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn".
Giai đoạn 2016 - 2020, Quỹ đền đáp nghĩa ở các địa phương vận được được gần 5.600 tỷ đồng, Quỹ đền ơn đáp nghĩa ở Trung ương vận động được 16,8 tỷ đồng; cả nước đã trao 61.650 sổ tiết kiệm với 103,5 tỷ đồng; xây dựng mới từ vận động các nguồn xã hội 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa 24.650 nhà tình nghĩa trị giá trên 2.200 tỷ đồng.
Về chăm lo mức sống, tới thời điểm này, 99% gia đình người có công và thân nhân có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống dân cư nơi cư trú. 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Để phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong hơn 75 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, theo lãnh đạo Cục Người có công, thời gian tới, các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
Cũng theo thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăm lo người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, dịp lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ này sẽ có rất nhiều hoạt động quan trọng, với sự chủ trì của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Dự kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì cuộc gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công tiêu biểu tại Văn phòng Trung ương Đảng. Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 sẽ diễn ra tại Nghệ An, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ tưởng niệm quốc gia, tuyên dương 450 người có công tiêu biểu. Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các đơn vị giám định ADN, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin của Trung tâm giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam...
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại các địa phương, các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.