Đề nghị hỗ trợ gia đình 2 con ăn học mà chỉ có 1 người đi làm
(Dân trí) - Một gia đình nuôi 2 con ăn học, hoặc nuôi cha mẹ già mà chỉ có 1 người đi làm thường thu nhập không đủ sống, cần hỗ trợ họ tạo việc làm để nâng cao thu nhập.
Ngày 18/10, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri và tặng quà cho đoàn viên công đoàn, người lao động, góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi) tại quận Bình Tân.
Tại hội nghị, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho biết: "Luật Việc làm năm 2013 là cơ sở pháp lý quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội về thất nghiệp, đào tạo nghề, đào tạo lại. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai tổ chức thực hiện, đã bộc lộ một số bất cập không còn phù hợp với tình hình thực tế".
Ông nêu một số chế độ cần có sự điều chỉnh cho phù hợp thực tế hiện nay như: Chế độ trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... Theo ông, những chế độ trên cần phải sửa đổi để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp và tạo việc làm bền vững.
Góp ý cho Luật Việc làm (sửa đổi), ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, đề nghị xem xét thêm Điều 9 của dự thảo quy định về đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm.
Theo ông, Điều 9 quy định rõ ràng những trường hợp khó khăn cần hỗ trợ là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang... là chưa đầy đủ.
Ông Nghiệp đề nghị: "Cần xem xét mở rộng đối tượng như trường hợp người lao động là gia đình hai vợ chồng nuôi hai đứa con ăn học, nhưng chỉ có một người đi làm".
Theo ông Nghiệp, với những gia đình như vậy, thường là một người phải lo việc gia đình, con cái; hoặc một trụ cột gia đình phải nuôi cha mẹ già. Trường hợp này thường thu nhập không đủ sống trong điều kiện sinh hoạt bình thường nhất.
Với quy định cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ông Củ Phát Nghiệp cũng đề nghị bổ sung nhóm trên vào đối tượng được vay vốn.
Ông Nghiệp bày tỏ nhất trí cao với quy định hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Theo ông, điều này rất hữu ích cho doanh nghiệp và người lao động.
Tại hội nghị, nhiều người lao động đề nghị xem xét lại mức hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ông Phan Hoàng Dũng, công nhân công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh, cho rằng: "Đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) từ 60% lên 75% nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi không có việc làm".
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bảo hiểm Xã hội quận Bình Tân, đề nghị tăng tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% thành 70% để đảm bảo chi phí sinh hoạt cho người lao động khi tìm công việc mới, hoặc quy định mức hưởng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống cho người lao động.