Đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội: Bình Định kiến nghị cơ chế thông thoáng
(Dân trí) - Tỉnh Bình Định kiến nghị những quy định hiện hành còn những điểm chưa phù hợp, khiến địa phương gặp khó khăn trong triển khai đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Phấn đấu về đích trước 5 năm
UBND tỉnh Bình Định vừa báo cáo Bộ Xây dựng về số liệu triển khai đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp" trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiến nghị một số khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đưa vào sử dụng 3 dự án và một phần của 1 dự án, với 1.841 căn nhà, tổng mức đầu tư 1.797 tỷ đồng.
Tỉnh đã khởi công xây dựng 3 dự án với 3.586 căn, tổng mức đầu tư 3.102 tỷ đồng.
Địa phương đã đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư 28 dự án, khoảng 24.675 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 13.990 tỷ đồng.
Đồng thời, bố trí 22 vị trí, quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội với diện tích hơn 111ha, dự kiến phát triển khoảng 16.703 căn, tổng mức đầu tư khoảng 8.821 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá về phát triển kinh tế, an sinh xã hội trong thời gian đến. Vì vậy, tỉnh quyết tâm hoàn thành khoảng 12.900 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn đến năm 2025, vượt sớm hơn 5 năm theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn hiện nay gặp một số khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh, Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn về cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư.
Từ đó, giá nhà cao, dẫn đến đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân khó tiếp cận sở hữu được nhà ở để an cư, an tâm làm việc. Đồng thời hạn chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Cần cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp
Lãnh đạo tỉnh Bình Định kiến nghị cần có các cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp và đơn giản hóa các thủ tục nhằm đẩy nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ… để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Đề nghị Chính phủ xem xét có quy định cơ chế hỗ trợ, ưu đãi nhà ở xã hội đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
Cần có chính sách chung nhằm đơn giản hóa quy trình vay vốn tín dụng, đồng thời giảm bớt các bước trung gian và thành phần hồ sơ; hạn chế các yêu cầu bổ sung từ các ngân hàng liên quan đến việc tăng hạn mức vốn đối ứng đối với các chủ dự án đã thực hiện đối ứng 20% trên tổng vốn đầu tư cho dự án theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, không yêu cầu tài sản thế chấp bổ sung ngoài việc thế chấp chính dự án nhà ở xã hội đang được ngân hàng tài trợ vốn vay.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc cho vay của các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay; đơn giản hóa thủ tục liên quan đến hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.