Đà Nẵng:

Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Khánh Hồng

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Chiều 24/5, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về tình hình việc làm, quan hệ lao động, tiền lương, các chính sách hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất kinh doanh, thị trường lao động.

Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Khánh Hồng).

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Hoàng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, ngày 12/5, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 08 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Hiện các địa phương đã tổ chức thành lập bộ phận thẩm định, nhiều địa phương đã tổ chức mời doanh nghiệp trên địa bàn để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Nhường - Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu báo cáo, đây là địa bàn có số lượng công nhân và nhà trọ lớn. Trước đây, việc xác nhận người lao động thuê trọ được giao cho phường. Tuy nhiên, do số lượng công nhân lớn nên hiện khâu xác nhận này đã giao hẳn cho chủ trọ, địa phương đang tích cực triển khai thực hiện thủ tục xét duyệt hồ sơ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho hay Quyết định 08 nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nằm trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề an sinh - xã hội và lao động - việc làm. Trong lao động - việc làm dành 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động - 2

Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng (Ảnh: Khánh Hồng).

"Vì doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động nên phải giữ chân người lao động đang làm việc và khuyến khích những người lao động quay trở lại thị trường hoặc từ quê lên thành phố tiếp tục làm việc", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định 08 của Chính phủ, nếu có vướng mắc phát sinh cần kịp thời đề xuất lên Bộ để có hướng xử lý.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng lưu ý, hiện đang là tháng an toàn vệ sinh lao động, Đà Nẵng cần quan tâm lưu ý tăng cường tuyên truyền phòng, tránh tai nạn lao động.

Đối với vấn đề thiếu hụt nguồn lao động, Thứ trưởng cho rằng, Đà Nẵng cần tuyển lao động từ các địa phương khác, kết nối thị trường để đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp.

Bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tiếp thu các ý kiến của Thứ trưởng cùng các thành viên trong đoàn công tác. Theo bà Yến, còn rất nhiều việc Đà Nẵng phải tập trung thực hiện, trước mắt là khắc phục tình trạng chậm triển khai Quyết định 08, thành phố sẽ có chỉ đạo quyết liệt hơn.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Hoàng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, đến hết năm 2021, khoảng 80% doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố vẫn tạm dừng hoạt động sau gần 2 năm thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Khoảng 80%, tương đương 42.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp liên quan lĩnh vực du lịch đã, đang thất nghiệp và chuyển sang làm ngành nghề khác.

Đặc biệt, có hơn 223.000 lao động tự do ở lĩnh vực phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính, thời điểm cuối năm 2021, có hơn 58.000 người bị mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 8,3%. Tính đến ngày 31/12/2021 đã có 15.460 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc Sở Lao động cũng báo cáo khái quát,  các doanh nghiệp trên địa bàn nhìn chung chấp hành nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động né tránh không tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên tỷ lệ doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm xã hội và nợ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng.