Thái Bình:
Đẩy mạnh việc rà soát, thẩm định hồ sơ thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP
(Dân trí) - Các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc rà soát, thẩm định hồ sơ các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Trao đổi với PV, ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình cho biết: "Mặc dù còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định, nhưng hiện nay với sự phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, xác định và công khai danh sách đối tượng ngay từ thôn, tổ dân phố và cơ sở".
Vì thế, việc triển khai chính sách hỗ trợ đến các đối tượng đều được bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố rà soát, đề xuất các nhóm đối tượng là lao động tự do và các đối tượng đặc thù khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, gặp khó khăn, cần được hỗ trợ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ.
Tuy nhiên, đến ngày 21/8/2021, Sở mới nhận được đề xuất của 2 sở, ngành và 4 huyện, thành phố.
Trong quá trình thực hiện, triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tỉnh Thái Bình vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn nhất định.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất chưa phát sinh hồ sơ. Nguyên nhân là một số người sử dụng lao động gặp khó khăn, cần hỗ trợ theo chính sách này thì không đủ điều kiện vì còn đang nợ tiền BHXH với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, điều kiện quy định là đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp: Phần lớn người lao động khi chấm dứt HĐLĐ thì đều đủ điều kiện và đã được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; một số ít người lao động còn lại (từ 07/7/2021 đến 21/8/2021 có 06 trường hợp) không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp đều không đủ điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ do số lao động này đều chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định.
Việc xác định đối tượng lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác ở cơ sở có khó khăn do tính chất và lĩnh vực công việc đa dạng, phức tạp...
Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 160.263 lao động
Theo thống kê, đến ngày 21/8, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thái Bình rà soát, thực hiện chính sách hỗ trợ chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 160.263 lao động của 2.580 doanh nghiệp với tổng số tiền lũy kế là gần 7 tỷ đồng.
Đối với trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định hỗ trợ đối với 73 trường hợp với số tiền 270,83 triệu đồng.
Về hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, UBND tỉnh Thái BÌnh ban hành Quyết định hỗ trợ đối với 124 lao động (trong đó có: 7 lao động nữ mang thai; 73 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động) của 05 doanh nghiệp, đơn vị phải thỏa thuận để tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, với số tiền là: 540,04 triệu đồng .
Riêng với nhóm hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, căn cứ hồ sơ đề nghị của UBND thành phố Thái Bình, huyện Kiến Xương, Thái Thụy, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ tiền ăn đối với 5 người bị nhiễm Covid-19 (F0) với số tiền 29,68 triệu đồng, 117 người là F1 với số tiền 183,12 triệu đồng; 17 trẻ em với số tiền 17 triệu đồng...