Đánh giá về các gói hỗ trợ người lao động khó khăn do Covid-19 của Việt Nam

Thái Anh

(Dân trí) - Đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc tại VN nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có hành động kịp thời. Chuyên gia kinh tế trong nước thì đề nghị xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo.

Đánh giá về các gói hỗ trợ người lao động khó khăn do Covid-19 của Việt Nam - 1

Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do UB Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 27/9, lãnh đạo Quốc hội chủ trì.

Hành động kịp thời 

Tham luận gửi đến tọa đàm, ông Terence D.Jones, quyền Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) khái quát, kể từ đầu mùa dịch Covid-19, Việt Nam đã áp dụng 2 biện pháp tài khóa kể từ đầu đại dịch.

Thứ nhất, Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được ban hành vào tháng 4/2020, bao gồm trong đó là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và công nhân bị mất việc làm do đại dịch.

Thứ hai, Nghị quyết 68 về gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng được công bố vào ngày 1/7/2021 để giúp những người lao động bị ảnh hưởng bởi phong tỏa và giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch gần nhất.

Ông Terence D.Jones đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình không có thu nhập do mất việc làm hoặc mất thu nhập từ công việc tự do.

Quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh vấn đề, một nghiên cứu mới đây do Trung tâm Phân tích và Dự báo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện cho thấy tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời đã tăng từ mức 10% trước đại dịch lên 33,4% vào tháng 8/2021 (dựa trên chuẩn nghèo 2021-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành).

Theo đó, có rất nhiều lao động di cư, lao động tự do và người vô gia cư vẫn đang trông chờ được nhận trợ cấp. Hàng ngàn hộ gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí cắt giảm cả tiền sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Đánh giá về các gói hỗ trợ người lao động khó khăn do Covid-19 của Việt Nam - 2

Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu ý kiến tại cuộc tọa đàm.

Quyền Trưởng Đại diện thường trú của UNDP cũng dẫn một báo cáo đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 68 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện khẳng định, tỷ lệ bao phủ của các chương trình hỗ trợ tiền mặt còn thấp.

Theo đó, độ bao phủ chính sách giữa các tỉnh là khác nhau khi chương trình dựa vào chính quyền địa phương để huy động nguồn kinh phí.

Theo ông Terence D.Jones, khoản ứng phó tài khóa của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng còn nhỏ so với các nước láng giềng. Dù theo logic thông thường, cần phải kiềm chế bội chi ngân sách của chính phủ để ngăn tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên. Tuy nhiên, vị chuyên gia về thúc đẩy phát triển cho rằng, trong tình huống bất thường khi phải giãn cách xã hội và phong tỏa thì cần có các biện pháp đặc biệt.

Cần có thêm gói hỗ trợ tiếp theo

Cũng tại tọa đàm này, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực có tham luận với nội dung đề nghị Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40.000 tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn như mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức; gói hỗ trợ tiền điện; gói hỗ trợ viễn thông...

Đánh giá về các gói hỗ trợ người lao động khó khăn do Covid-19 của Việt Nam - 3

TS Cấn Văn Lực đề nghị Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40.000 tỷ đồng, tương đương chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trị giá 38.000 tỷ đồng vừa được UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định.

Trong dài hạn, TS Cấn Văn Lực đề nghị cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn, cập nhật thường xuyên phục vụ công tác an sinh xã hội, cứu trợ; có sự liên thông, chia sẻ được với cơ sở dữ liệu định danh quốc gia.

TS Cấn Văn Lực cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số; Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm với TS Cấn Văn Lực, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng các gói hỗ trợ trong thời gian tới cần có quy mô lớn hơn, mạnh hơn và thực hiện quyết liệt hơn.

Ông Võ Trí Thành nhận định, gói hỗ trợ cho chương trình phục hồi 2 năm tới phải vượt khó, bắt nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới và bắt nhịp xu thế lớn về tiêu dùng, lối sống, cách mạng công nghệ, năng lượng… của thế giới gắn với quản trị rủi ro.

Trước mắt, theo TS Thành, có 3 vấn đề lớn cần quan tâm là khuôn khổ để khống chế dịch có quản trị rủi ro có linh hoạt để quay lại sản xuất kinh doanh; vấn đề lao động và dòng tiền, tài chính.