1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nghệ An:

Dân nghèo xót xa vào rừng gom nhặt xác trâu bò chết rét

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Hàng loạt trâu, bò của nhiều gia đình ở các huyện miền núi cao Nghệ An chết trong đợt rét hại vừa qua khiến cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã khó khăn, càng thêm chật vật.

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn các huyện miền núi, biên giới Nghệ An như: Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông… xảy ra tình trạng trâu, bò chết hàng loạt. 

Anh Lương Văn Nánh (SN 1981, trú bản Tân Thái, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong) vẫn chưa hết bàng hoàng khi đàn bò 10 con của gia đình anh chỉ trong một đêm 4 con bỗng lăn đùng ra chết. 

Theo anh Nánh, mấy ngày trước trời vẫn nắng nhưng bắt đầu từ ngày 20/2, bất ngờ có không khí lạnh, nhiệt độ xuống thấp đột ngột, nhiều gia súc bị chết cóng. Rủi thay, mấy ngày trước đó, cậu con trai đầu đang học lớp 12 của anh Nánh mắc Covid-19, cả nhà phải cách ly, chăm sóc, không vào trang trại lo cho đàn bò được. 

Dân nghèo xót xa vào rừng gom nhặt xác trâu bò chết rét - 1

Trong đợt rét vừa qua, gia đình anh Nánh có 4 con bò bị chết, thiệt hại lên đến hơn 25 triệu đồng.

"Hôm đó nghe người dân ở gần trang trại báo, tôi vội chạy xe máy vào, đến nơi thấy 4 con bò đã chết. 4 con này khi đang sống khách đến hỏi mua với giá 25 triệu đồng, giờ chết rồi, chỉ bán được 3 triệu đồng thôi. Hiện gia đình tôi còn 6 con, không biết giá lạnh tiếp tục kéo dài, đàn gia sức có sống nổi không nữa", anh Nánh lo lắng. 

Cũng theo anh Nánh, trước đây, anh vay ngân hàng 28 triệu đồng để mua 3 con bò giống. Sau gần 10 năm, đàn bò phát triển lên 10 con. Khi mọi thứ tưởng như đang ổn dần thì ông trời đã "cướp" đi tài sản đáng giá nhất của gia đình. Số tiền vay ngân hàng mua bò đến nay anh Nánh vẫn còn nợ 6 triệu đồng. 

"Vợ chồng tôi sinh được 2 con trai, con đầu đang học lớp 12, con thứ hai đi học nghề ở TP Vinh rồi. Ở nhà, tôi nuôi bò trong trang trại, còn vợ làm ít sào ruộng, mỗi năm được 4-5 tạ lúa, không đủ ăn. Chưa kể đến tiền hai con đi học, khó khăn lắm. Giờ thì khó lại thêm khó, khi đàn bò đã chết rét 4 con rồi", anh Nánh khóc ròng.

Cùng chung tình cảnh, gia đình anh Lô Văn Thắng (SN 1985), vợ Lô Thị Hoa (SN 1985), trú tại bản Hợp Tiến, xã Châu Thôn, Quế Phong nuôi được 3 con trâu thì trong đợt rét này, 2 con trâu mẹ cùng chết, chỉ còn lại một nghé con.

Dân nghèo xót xa vào rừng gom nhặt xác trâu bò chết rét - 2

Con trâu của gia đình anh Lô Văn Thắng chết do rét.

"Hai con trâu nhà ta to lắm, nuôi được 7-8 năm rồi. Mấy ngày qua thời tiết khắc nghiệt quá, chết mất hai con trâu mẹ rồi. Hai con này trị giá cũng 25-30 triệu đồng đó, nhưng chết rồi chỉ bán được dăm triệu bạc thôi", anh Thắng buồn rầu. 

Cũng theo anh Thắng, hai con trâu này trước đây được ông bà cho làm của hồi môn khi anh lấy vợ, ra ở riêng. Kể từ ngày có được con trâu, vợ chồng anh Thắng luôn chăm sóc chu đáo vì đó là tài sản lớn nhất, là cơm áo với cả nhà. Vậy mà chỉ trong một đêm mưa giá lạnh, hai trâu mẹ lăn ra chết.  

Dân nghèo xót xa vào rừng gom nhặt xác trâu bò chết rét - 3

Theo anh Thắng, cả gia tài vợ chồng có được 3 con trâu thì nay 2 con đã chết.

"Ta mong Nhà nước hỗ trợ cho bà con mua con trâu khác để còn khôi phục kinh tế gia đình, chứ không thì đói lắm. Bà con ta trên bản chỉ biết nuôi con gà, con vịt, con lợn, con bò, con trâu thôi, chứ không có ruộng để làm lúa đâu, nghèo lắm…", anh Thắng chia sẻ thêm.

Gia đình anh Thắng có hoàn cảnh rất khó khăn, một mình anh gánh vác cả gia đình, làm lụng quanh năm nhưng cũng không đủ ăn, bởi người vợ bị bệnh khá nặng. Do căn bệnh về máu này, vợ không thể sinh con, gia đình anh quyết định nhận con nuôi. 

Dân nghèo xót xa vào rừng gom nhặt xác trâu bò chết rét - 4

Gia đình bà Lương Thị Hương, bản Na Loi, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn có 3 con trâu chết.

Theo bà Pịt Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, trong đợt mưa lạnh mấy ngày qua, trên địa bàn xã có khoảng 40 con gia súc chết, có những gia đình chết 2-3 con.

Trò chuyện với PV, bà Lương Thị Hương (SN 1965) vợ ông Lương Văn Phanh (1965), trú bản Na Loi than thở, chưa năm nào giá rét lại căng như năm nay. Đến thời điểm này, gần sang tháng 3 rồi mà trời vẫn lạnh "cắt da cắt thịt". Mấy ngày trước, rét hại đột ngột, trâu bò của gia đình bà Hương nuôi trên rẫy chưa kịp lùa vào chuồng, cho sưởi ấm nên đã chết mất 2 con.  

Dân nghèo xót xa vào rừng gom nhặt xác trâu bò chết rét - 5

Một con trâu gia đình ông Lương Văn Phanh, bản Na Loi chết do giá lạnh.

"Từ nhà đi vào rẫy bằng xe máy cũng mất hơn một tiếng đồng hồ, mấy ngày trước giá lạnh quá, ông nhà tôi vội vàng vào thăm và lùa trâu bò về chuồng thì phát hiện 2 con chết, nếu không cứu kịp thời thì cả đàn 7 con cũng chết luôn. Gia đình mong đợt này được hỗ trợ để có thể trả khoản tiền vay ngân hàng đầu tư đàn gia súc", bà Hương nói. 

Theo bà Hương, hai con trâu chết, gia đình bà thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Trước đây, gia đình bà Hương vay mượn anh em khoảng 40-50 triệu đồng để mua trâu về chăn nuôi, thả rông trên rẫy. 

Dân nghèo xót xa vào rừng gom nhặt xác trâu bò chết rét - 6

Người dân xã Thông Thụ, huyện Quế Phong chở bò chết trên một chiếc thuyền về nhà.

"Khi anh em đòi tiền, gia đình tôi phải đi vay ngân hàng 50 triệu đồng về trả. Hiện giờ qua 4-5 năm rồi vẫn, tôi vẫn đang nợ ngân hàng hơn 30 triệu đồng, hàng tháng trả lãi hơn 300.000 đồng", bà Hương kể thêm.  

Tình trạng gia súc, gia cầm chết hàng loạt khiến đời sống của nhiều gia đình ở các huyện miền núi cao của Nghệ An càng thêm khó khăn. Người dân mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để gây lại đàn gia súc, gia cầm và phát triển kinh tế hộ gia đình với mong ước thoát nghèo.  

Dân nghèo xót xa vào rừng gom nhặt xác trâu bò chết rét - 7

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện Quế Phong có hơn 300 con trâu bò chết do rét đậm rét hại.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, trong đợt rét đậm rét hại mấy ngày qua, trên địa bàn có hơn 1.000 con trâu, bò chết. Hiện nay, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ vật tư, vaccine cho đợt tiêm phòng gia súc, gia cầm trong vụ xuân; thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…