Dân bỏ làng, để lại nhà hoang nơi "miền đất hứa": Gỡ khó cho người dân
(Dân trí) - Trước tình trạng người dân bỏ làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng, để lại nhà hoang, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các giải pháp khắc phục để người dân sớm ổn định.
Dự án làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) sông Chàng được Tỉnh đoàn Thanh Hóa triển khai năm 2008, trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân với diện tích 600ha, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng.
Dự án thu hút 141 hộ (34 hộ là công nhân lâm trường sông Chàng thuộc diện tái định cư tại chỗ và tuyển mới 107 đoàn viên, thanh niên) đến đây sinh sống, phát triển kinh tế.
Mỗi đoàn viên thanh niên (hoặc gia đình đoàn viên thanh niên), các gia đình tái định cư vào định cư ở làng TNLN sông Chàng sẽ được cấp 400m2 đất ở, hơn 3ha đất canh tác cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.
Sau 16 năm triển khai, nhiều thanh niên đã rời "miền đất hứa", làng TNLN sông Chàng trở nên hoang tàn, nhếch nhác…
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đình Nhất, Trưởng Ban phong trào kiêm Tổng đội trưởng Thanh niên xung phong Tỉnh đoàn Thanh Hóa (đơn vị chủ quản dự án Làng TNLN sông Chàng), thừa nhận có tình trạng các hộ dân, thanh niên tại làng TNLN gặp khó khi khai hoang, do thổ nhưỡng, khí hậu quá khắc nghiệt.
Ông Nhất cho biết, thời gian đầu, với diện tích được giao, người dân được hướng dẫn trồng cây công nghiệp ngắn ngày như: mía, sắn và cây công nghiệp dài ngày như cao su. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch các loại cây trồng lại "rớt" giá, khiến người dân thất vọng.
Năm 2016, tại đây thực hiện một số mô hình kinh tế như trồng cam V2, ổi Đài Loan, bưởi Diễn xen ổi, đều không hiệu quả.
Theo ông Nhất, dự án tuy chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, nhưng đã tạo nên một phong trào phát triển kinh tế, hình thành nên một vùng kinh tế năng động và bây giờ là một khu dân cư.
Tuy nhiên, hạn chế ở làng TNLN là chưa có mô hình kinh tế mang tính đột phá, tạo công việc ổn định cho người dân. Hiện, người dân trong thôn chủ yếu trồng cây ăn quả và keo.
"Việc chăm sóc các loại cây này theo đợt, nên họ có thời gian rảnh rỗi, rời làng đi làm kiếm thêm thu nhập. Nhiều thanh niên rời thôn, về quê chăm sóc gia đình. Còn đất canh tác vẫn được các hộ duy trì, không ai bỏ đất hoang", ông Nhất nói.
Ông Nhất cho biết, ngày 7/9/2018, Ban chấp hành Trung ương Đoàn đã thống nhất chủ trương bàn giao kết quả thực hiện dự án làng TNLN sông Chàng cho UBND tỉnh Thanh Hóa để chỉ đạo các sở, ngành và UBND huyện Như Xuân phối hợp với Ban thường vụ tỉnh Đoàn Thanh Hóa tiếp nhận, duy trì, duy tu, bảo dưỡng và sử dụng có hiệu quả các công trình đã đầu tư.
Đồng thời, thực hiện trình tự thủ tục thu hồi đất của dự án để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình tại làng TNLN sông Chàng.
Hiện, UBND xã Xuân Hòa thực hiện việc quản lý về con người, song phần đất đai lại thuộc quản lý của Tỉnh đoàn Thanh Hóa. Các công trình tại khu trung tâm văn hóa của làng xuống cấp, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng.
Theo ông Nhất, thời gian tới, Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẽ phối hợp với chính quyền địa phương mời các hộ sinh sống không thường xuyên và các hộ chưa có hộ khẩu để lắng nghe quan điểm, nguyện vọng. Nếu các hộ không có nguyện vọng ở nữa, Tỉnh đoàn sẽ thu hồi lại và tham mưu cho lãnh đạo để có hướng xử lý tiếp theo.
Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, ông Nhất, cho biết UBND tỉnh cũng đã có chủ trương bàn giao đất về cho địa phương quản lý. Đơn vị đang hoàn thiện các hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đang ở thường xuyên để ổn định cuộc sống và sản xuất.
Trước đó, báo Dân trí có bài viết: "Hơn một nửa người dân bỏ làng, để lại nhà hoang nơi "miền đất hứa", phản ánh việc, sau nhiều năm bám trụ, cuộc sống ở làng thanh TNLN sông Chàng không như kỳ vọng, nhiều thanh niên nhiệt huyết một thời phải để lại nhà hoang, rời vùng đất từng gửi gắm ước mơ, hoài bão để ra đi.