Đám cưới trên "xe lăn" của người mẹ từng muốn ôm con nhảy sông
(Dân trí) - Trong lễ cưới của 51 cặp đôi người khuyết tật, không ai hoàn hảo nhưng ai nấy đều cười rạng rỡ. Nhiều cặp đôi đã bên nhau, là vợ chồng hàng chục năm nhưng đây là lần đầu họ có lễ cưới chính thức.
Sống cảnh cơ cực mà vui
2h, vợ chồng chị Vũ Thị Chang (39 tuổi) và anh Đoàn Sơn Thọ (47 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) bồn chồn không thể chợp mắt. Thấy trời đã tờ mờ sáng, anh chị khệ nệ mang bộ áo cưới đã chuẩn bị sẵn, lên xe vào trung tâm TPHCM làm lễ cưới.
Ở bên nhau đã hơn 18 năm nhưng hôm nay, vợ chồng chị bồi hồi như lúc mới yêu, bởi nay mới có đám cưới chính thức sau ngần ấy năm.
Đến nơi tổ chức hôn lễ của 51 cặp đôi người khuyết tật, chị Chang là một trong những cô dâu đầu tiên được trang điểm và nghe thông báo về nghi thức lễ cưới sắp tới.
"Có mơ tôi cũng không nghĩ mình làm được đám cưới, vì cuộc sống nghèo quá, vợ chồng bán vé số chỉ đủ nuôi con, không dư dả gì", chị Chang xúc động.
Nhìn 50 cặp đôi khác cùng được tổ chức cưới dịp này, chị Chang hạnh phúc, nhìn xuống bàn tay siết chặt tay mình. Chị trào nước mắt nhận thấy người đàn ông bên cạnh (anh Thọ) vẫn luôn đồng hành, nắm tay mình đến giờ phút này.
Trước đây, chị Chang từ Hải Phòng vào TPHCM lập nghiệp do không chịu được cảm giác ăn bám bố mẹ hay quanh quẩn trong 4 bức tường, luôn phải nghe những lời miệt thị từ người khác.
Vào TPHCM, vốn đã quen anh Thọ qua mạng nên cả hai sớm có sự đồng cảm, bởi anh cũng là người khuyết tật. Được biết, vợ chồng chị từng "lỡ một lần đò", hiện đang sống cùng người con gái là con riêng của chị Chang.
"Sống với người khỏe mạnh hay khuyết tật thật ra không khác gì nhiều, quan trọng người ta có yêu thương, chăm sóc mình không", chị Trang nhìn chồng, nói.
Lúc mới yêu, cả hai đi làm công nhân lắp ráp ở Củ Chi. Chị không chạy được xe, nên anh Thọ hàng ngày đều đưa đón, dù chỗ làm của anh cách chỗ chị đến 30 phút. Những đêm mưa to, nước ngập lút xe, hai vợ chồng ướt sũng về đến nhà. Chị nói, nhiều cảnh cơ cực vậy mà vui.
Đợt dịch Covid-19, vợ chồng chị cùng lúc mất việc. Thời điểm đó không có tiền, phải sống nhờ gia đình chu cấp, đến khi dịch tạm lắng, anh chị nhận vé số về bán. Sau thời gian ở trọ, đôi vợ chồng được người chị cho mượn căn nhà ở Hóc Môn, cũng đỡ được gánh nặng tiền thuê trọ.
Mỗi ngày, khoảnh khắc vui nhất với chị Chang là nghe câu hát nghêu ngao từ đầu ngõ vào: "Em cứ sống sung sướng, khổ đau để phần anh", báo hiệu chồng đi bán vé số về. Căn nhà nhỏ tạm bợ, không sung túc gì nhưng 3 người vẫn cùng nuôi vài con chó, con mèo, thêm niềm vui cho cô con gái nhỏ.
"Sau khi trải qua nhiều đắng cay, tôi thấy rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Nếu lỡ một trong hai có thay lòng đổi dạ, chúng tôi cũng sẽ biết ơn vì người kia đã ở bên mình trong khoảng thời gian khó khăn, thử thách nhất. Chúng tôi nguyện không oán trách nhau", chị Chang nắm lấy tay chồng, cả hai cùng mỉm cười.
Hiện thực hóa ước mơ nhỏ nhoi
Cũng chung tâm trạng hồi hộp, anh Phạm Quốc Khánh (34 tuổi) và chị Nguyễn Thị Trúc Giang (38 tuổi, ngụ tại tỉnh Tiền Giang) mãn nguyện khi có được đám cưới chính thức sau 4 năm chung sống.
Hai người khiếm khuyết tưởng chừng không bao giờ có được hạnh phúc chợt vỡ òa khi đã gặp nhau, cùng quyết tâm xây mái ấm chung. Trước đây, vợ chồng anh quen nhau khi tham gia lớp dạy nghề cho người khuyết tật. Thấy chị Giang hiền, lại tốt bụng, anh Khánh phải lòng và cầu hôn chị.
Thường ngày, anh Khánh làm nghề bán vé số, ra ngoài từ sáng sớm đến tối muộn mới về. Anh nỗ lực từng chút để kiếm thêm vài đồng chăm lo cho gia đình nhỏ.
Chị Giang mắc bệnh bại não, phải ngồi xe lăn nên ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con nhỏ 2 tuổi của cả hai.
"Mỗi ngày đi làm đều rất vất vả, nhưng khi về đến nhà, thấy hai mẹ con chờ đợi, mừng rỡ chào đón, tôi thấy rất hạnh phúc. Cuộc sống có nhiều điều mệt mỏi khó nói, bản thân cũng nhiều lần trằn trọc vì không thể lo chu toàn cho vợ con nhưng ít ra, tôi vẫn may mắn còn gia đình là động lực để cố gắng nhiều hơn mỗi ngày", anh Khánh bộc bạch.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thùy Dung (42 tuổi) và anh Nguyễn Tiến Tùng (37 tuổi, ngụ tại tỉnh Trà Vinh) đã ở bên nhau 12 năm. Bất ngờ được tổ chức đám cưới sau ngần ấy thời gian đã "chấp nhận số phận", vợ chồng chị thực sự xúc động.
"Chúng tôi là người khuyết tật nên cuộc sống rất khó khăn. Thường ngày, mưu sinh, kiếm tiền được đã là điều may mắn nên hiếm khi chúng tôi mơ tới việc tổ chức đám cưới vì hai bên gia đình chỉ đơn thuần gặp và chấp thuận. Khi biết vợ chồng được tham dự lễ cưới của chính mình, cả hai vui lắm, như một động lực lớn trong đời", chị Dung trải lòng.
Giây phút trao nhẫn cưới, 51 cặp đôi cùng thể hiện nét hạnh phúc trên gương mặt đã in hằn những sóng gió, thách thức. Các cặp đôi bày tỏ, hạnh phúc không chỉ vì có được đám cưới chính thức, mà còn xúc động khi nhận sự quan tâm, công nhận, ủng hộ của xã hội.
Chương trình "Lễ cưới tập thể 51 cặp đôi khuyết tật" với chủ đề "Ngày hạnh phúc" được tổ chức với sự đồng hành của 36 nhà tài trợ. Tại lễ cưới, các cặp đôi đã được trao nhẫn cưới, tiền mặt, áo dài và nhiều phần quà khác.