1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng tại nơi cư trú

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - "Đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng cư dân nơi cư trú", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chia sẻ.

Đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng

Nhiều đổi mới

Sáng ngày 26/4, tại TPHCM, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020.

Hội nghị có sự tham gia của ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cùng với các đại diện lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh phía Nam.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, ngày 9/12/2020, tại Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

Đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng tại nơi cư trú - 1

Hội nghị Lấy ý kiến góp ý dự thảo các nghị định hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 tại TPHCM. 

Theo Thứ trưởng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đã đáp ứng được những yêu cầu và nguyên tắc như: Pháp lệnh đã bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

Cụ thể: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được xác định và điều chỉnh phù hợp trong từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng tại nơi cư trú - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu khai mạc hội nghị.

Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh năm 2020 mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng và giao chính phủ quy định cụ thể.

Pháp lệnh cũng mở rộng đối tượng người bị địch bắt, tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc; người được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.

Bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi về chính sách bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không còn điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Đối với thời kỳ đất nước còn chiến tranh và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Pháp lệnh kế thừa các văn bản pháp luật từ trước đến nay và đảm bảo tính khả thi trong thực hiện chính sách hiện tại và giao Chính phủ quy định việc giải quyết những trường hợp còn tồn đọng (giải quyết đúng đối tượng; công khai, minh bạch về thủ tục giải quyết...

Bàn luận thêm về trường hợp công nhận liệt sĩ?

Trong buổi làm việc, nhiều ý kiến được nêu ra nhằm hoàn thiện xây dựng 2 dự thảo nghị định, cụ thể: Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, bà Trương Thị Anh Đào, Trưởng phòng Người có công Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết: "Điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ phải là người hy sinh trong lúc chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tuy nhiên, trên địa bàn TPHCM thời gian qua có trường hợp người từng tham gia cách mạng trong vùng chiến sự bị sốt rét không có thuốc điều trị bị tử vong, vậy trường hợp này có được công nhận liệt sĩ không?".

Đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng tại nơi cư trú - 3

Đại diện các Sở, ngành tại phía Nam cho biết khá nhiều điểm mới tại Pháp lệnh sửa đổi. 

Trường hợp một đối tượng ở huyện Cần Giờ, làm nghề may quần áo cho bộ đội trên đường đi chẳng may rơi vào phục kích và hy sinh, vậy trường hợp này có được công nhận liệt sĩ không?

Cũng theo bà Trương Anh Đào, đối với căn cứ xác nhận thương binh, căn cứ vào vết thương thực thể rất khó xác định được vết thương này. Khi xác nhận vết thương thực thể thì xác định như thế nào và hướng dẫn để xác nhận? nếu hiểu theo hướng dẫn thì có giải quyết hay không? cần phải rõ ràng trong nội dung này để có cơ sở cụ thể giải quyết khi địa phương trực tiếp tiếp nhận hồ sơ?

Đối với chế độ điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà, có những người có công già yếu không thể đi điều dưỡng tập trung được. Vì vậy, chế độ cho đối tượng điều dưỡng tại nhà phải bằng với điều dưỡng tập trung. 

Đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng tại nơi cư trú - 4

Ông Đặng Ngọc Tảo, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An cho rằng nên thay giấy ủy quyền bằng giấy cam kết có xác nhận của UBND tỉnh.

Liên quan về thời điểm hưởng trợ cấp tuất, ông Đặng Ngọc Tảo, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, đề nghị bổ sung đối với những đối tượng chưa đủ tuổi theo khoản 2 Điều 169 của Bộ Luật lao động thì chờ khi đủ tuổi được hưởng (giống như mục d khoản 2 Điều 32 Nghị định 31).

Đối với việc giấy ủy quyền nhận trợ cấp ưu đãi, ông Tảo cho rằng, không nên quy định thời hạn ủy quyền, vì pháp luật không quy định thời hạn ủy quyền. Đa số người có công đều già yếu, đi lại khó khăn, thậm chí mất năng lực hành vi nên không thể ký giấy ủy quyền.

Vì vậy, ông Tảo kiến nghị cần thay thế giấy ủy quyền bằng giấy cam kết có xác nhận của UBND cấp xã.

"Chi phí phục vụ chi trả đến người thụ hưởng tối đa 50% chi phí quản lý toàn ngành. Tỷ lệ này quá cao, vì công việc quản lý của toàn ngành bao gồm 16 đầu công việc, việc chi trả chỉ là một công việc trong các đầu công việc đó mà hưởng 50% là quá cao. Đề nghị giảm xuống 30% chi phí quản lý toàn ngành", ông Tảo nói.

Pháp lệnh sửa đổi năm 2020 bao gồm 7 chương và 58 Điều. So với Pháp lệnh hiện hành, Pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung 02 Chương, 10 Điều và sửa đổi 41 Điều. Với mỗi diện đối tượng người có công với cách mạng, Pháp lệnh năm 2020 đã kết cấu các Điều theo trật tự, như: Điều kiện, tiêu chuẩn; chế độ ưu đãi đối với người có công; chế độ ưu đãi đối với thân nhân người có công với cách mạng. Đặc biệt, lần đầu tiên Pháp lệnh sửa đổi đã đặt tên cho tất cả các Điều.