Quảng Nam:

Đảm bảo điều kiện tốt nhất chăm sóc cho người có công

Ngô Linh

(Dân trí) - Việc thiếu hụt nhân lực y tế, mức lương hỗ trợ cho người có công còn thấp… đang là những vấn đề còn bất cập tại Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam.

Chiều 4/8, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam tại phường Thanh Hà, TP Hội An.

Ông Trần Anh Tuấn đánh giá cao công tác chăm sóc, điều dưỡng cho các đối tượng chính sách, thương bệnh binh… tại đây.

Đảm bảo điều kiện tốt nhất chăm sóc cho người có công - 1

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam.

Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam hiện nay đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị 55 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Trong đó, có 7 thương binh, bệnh binh có tỷ lệ từ 81% trở lên; 20 thương binh, bệnh binh có tỷ lệ từ 80% trở xuống; 14 người là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người có công giúp đỡ cách mạng và 14 thân nhân liệt sĩ.

Theo ông Phan Văn Bình - Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam thời gian qua, hoạt động của trung tâm đã được người có công nuôi dưỡng và điều dưỡng đánh giá cao về chăm sóc, nuôi dưỡng, tác phong phục vụ và việc thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định.

Tuy nhiên hiện trung tâm còn rất nhiều khó khăn như hiện nay các đối tượng đều đã lớn tuổi, bệnh tật nhiều, mức lương hàng tháng đối với các đối tượng người có công còn thấp…; khó tuyển dụng, luân chuyển bác sĩ, y sĩ về công tác tại trung tâm.

Đảm bảo điều kiện tốt nhất chăm sóc cho người có công - 2

Trung tâm hiện nay đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị đối với 55 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.

Lãnh đạo trung tâm đề nghị xem xét bố trí nguồn vốn hoặc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho hoạt động chung của trung tâm.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều lao động đã làm việc tại đây lâu năm nhưng chưa được xét tuyển. Tại các trung tâm của Sở quản lý, công việc đặc thù không giống với các trung tâm y tế. Họ làm nhiệm vụ chăm sóc là chủ yếu. Nếu không thật sự quen việc rất khó để thích ứng. Do đó, Sở đề xuất nếu xét tuyển hay thi tuyển, cần tách riêng ngành lao động ra.

Ngoài ra, việc tuyển dụng nhân lực cho các trung tâm cũng rất khó thu hút các y, bác sĩ đầu quân về. Tại Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam có 25 định mức lao động, 20 biên chế, nhưng hiện nay biên chế chỉ 10 người, còn lại đều theo dạng hợp đồng.

Đảm bảo điều kiện tốt nhất chăm sóc cho người có công - 3

Hiện Trung tâm đang đảm bảo chăm sóc tốt người có công.

"Hiện nay, mức lương các đối tượng chính sách tại Trung tâm nuôi dưỡng người có công thấp hơn so với các đối tượng bảo trợ xã hội. Trung tâm được đầu tư khang trang, công suất nuôi dưỡng còn nhiều, nhưng các đối tượng thuộc chính sách được vào trung tâm còn hạn chế, cần đề nghị mở rộng đối tượng nuôi dưỡng để nhiều người có công được chăm sóc tốt hơn, nhất là đối tượng neo đơn già yếu", đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho hay.

Kết thúc buổi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đề xuất, tham mưu UBND tỉnh về các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc. Tiếp tục khảo sát kỹ về nhóm đối tượng mở rộng đưa vào trung tâm, tham mưu đề xuất, trình Chính phủ xem xét.

Sở Y tế cần nghiên cứu kỹ, tham mưu UBND tỉnh về vấn đề tuyển dụng, luân chuyển có thời hạn y, bác sĩ về các trung tâm đặc thù của tỉnh… Các sở, ban ngành cần phối hợp chặt chẽ, xem xét giải quyết triệt để các vấn đề. Cần đảm bảo những điều kiện chăm sóc tốt nhất cho người có công.