1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đắk Lắk: Cần giảm thiểu mức thấp nhất trẻ em bị xâm hại

Thúy Diễm

(Dân trí) - Từ nhiều năm nay, tại Đắk Lắk, tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục, bỏ học đi lao động còn diễn ra và rất cần các biện pháp để kịp thời ngăn chặn thực trạng này.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 492.832 trẻ em (chiếm 26% dân số). Trong đó, có 5.647 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 104.408 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 54.216 trẻ em trọng hộ gia đình nghèo và 43.018 trẻ em trong hộ cận nghèo.

Đắk Lắk: Cần giảm thiểu mức thấp nhất trẻ em bị xâm hại - 1
Buổi làm việc giữa Đoàn giám sát cùng Sở LĐ-TB&XH

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 3 cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 200 trẻ em mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi; trên 1.900 câu lạc bộ, đội, nhóm với 15.200 trẻ em tham gia; có 73 xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình…

Giai đoạn 2016-2020, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm triển khai thực hiện; vận động các nguồn lực hỗ trợ trẻ em với tổng số tiền gần 73 tỷ đồng.

Nhiều chương trình, dự án chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã được triển khai thực hiện như: Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em; Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025; Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2018-2023 và Đề án vận động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi 2019-2025.

Tại buổi lại việc, Đoàn giám sát đã chỉ ra  một số tồn tại như: tình trạng trẻ em bỏ đi lao động trái pháp luật, trẻ bị xâm hại, tai nạn thương tích, bạo lực… vẫn còn diễn ra khá nhiều.

Đắk Lắk: Cần giảm thiểu mức thấp nhất trẻ em bị xâm hại - 2

Trẻ em tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk) từng bị dụ dỗ đi lao động ở ngoại tỉnh và được đưa về địa phương

Cụ thể, từ năm 2016 đến tháng 6/2020, do tai nạn có 452 trẻ tử vong và 5.326 trẻ em thương tích; trẻ em đi lao động trái pháp luật có 681 em; số trẻ em bị xâm hại (từ năm 2015 đến tháng 6/2020) xảy ra 302 vụ…Nhiều vụ việc liên quan đến trẻ em ở địa phương chưa được phản ánh kịp thời; việc bảo đảm quyền tham gia của trẻ em, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án liên quan đến trẻ em còn bỏ ngỏ…

Sở LĐ-TB&XH đã kiến nghị với Đoàn giám sát về việc cần Ban hành chính sách liên quan cho trẻ em trên địa bàn tỉnh như chính sách đưa trẻ em dân tộc thiểu số tại chỗ mồ côi mẹ không sống cùng cha vào nuôi dưỡng, chăm sóc ở các cơ sở trợ giúp xã hội công lập; chính sách trợ giúp trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày; tăng cường giám sát về việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo, chính sách y tế, trợ giúp xã hội, pháp lý cho trẻ; tăng cường giám sát chuyên đề về bảo đảm quyền trẻ em theo quy định của Luật trẻ em…

Kết luận buổi làm việc, bà Phan Thị Như Thủy Trưởng đoàn Đoàn giám sát yêu cầu Sở LĐ-TB&XH cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung: tập trung chăm lo, bảo vệ trẻ em để giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật, bị bạo hành, đuối nước và xâm hại tình dục; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa bàn dân cư.

Cần chú trọng việc phối hợp với các ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện lĩnh vực trẻ em; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền việc nâng cao nhận thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em đến cán bộ, lãnh đạo các địa phương và phụ huynh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa…