1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đa dạng hóa sinh kế để giúp người dân thoát nghèo hiệu quả

Đặng Dương

(Dân trí) - Thực hiện công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới, Đắk Nông ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thoát nghèo nhờ đàn gà chọi

Vào năm 2016, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc thi sáng kiến thoát nghèo. Chị H'Lan ở thôn 9, xã Quảng Khê (Đắk Glong) cùng một số phụ nữ trong bon B'Dơng đăng ký tham gia cuộc thi với mô hình nuôi gà lai chọi.

Đề tài được ban tổ chức cuộc thi trao giải khuyến khích. Chị H'Lan cùng nhóm của mình được hỗ trợ 200 con gà lai chọi và trang thiết bị, thức ăn để phát triển đề tài.

Sau một thời gian thực hiện, hiện mô hình của chị H'Lan cho hiệu quả cao nhất, đưa cả gia đình chị thoát nghèo.

Đa dạng hóa sinh kế để giúp người dân thoát nghèo hiệu quả - 1

Chị H'Lan được nhận bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH vì có đống góp trong việc thực hiện chương trình thoát nghèo (Ảnh: Đặng Dương).

Chị Lan kể, dù được tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi gà nhưng hai lứa đầu, hiệu quả công việc chưa cao do chưa có kinh nghiệm. Phải đến lứa thứ 3, bầy gà chọi của gia đình chị mới mang lại lợi nhuận.

"Nuôi gà lai chọi không khó. Tôi tận dụng rau, cỏ quanh nhà, trộn với ngô, thóc của gia đình trồng được, đồng thời cho gà uống nước đầy đủ. Đặc biệt, khi gà ốm sẽ không dùng thuốc tây mà sẽ sử dụng lá cây rừng của người đồng bào, nấu nước cho gà uống", H'Lan chia sẻ kinh nghiệm.

Gà lai chọi sinh trưởng tốt, mỗi năm chị H'Lan nuôi 3-4 lứa, mỗi lứa nuôi khoảng 3 tháng 10 ngày, gà đã có giá trị thương phẩm. Trước khi gà xuất chuồng khoảng 1 tháng, chị sẽ cho gà ăn cám ngô, trộn với cá ủ lên men để gà chắc thịt.

Sau hai lứa gà đầu tiên, cùng kinh nghiệm thực tế, chị H'Lan đầu tư mua gà giống và mở rộng chuồng trại để chăn nuôi.

Năm 2017, sau khi mô hình nuôi gà đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình chị H'Lan thoát nghèo. Cùng năm ấy, chị H'Lan còn cho người con trai đi học ở Nhạc viện TPHCM.

Phát triển các mô hình hay

Năm 2021, mô hình du lịch cộng đồng cũng được triển khai tại bon N'Jiêng, xã Đắk Nia (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Khai thác những thế mạnh về điều kiện tự nhiên cũng như văn hóa của đồng bào Mạ bản địa, tháng 10/2022, mô hình này đã đón những du khách đầu tiên đến trải nghiệm.

Đa dạng hóa sinh kế để giúp người dân thoát nghèo hiệu quả - 2

Nhờ mô hình du lịch cộng đồng, đồng bào Mạ ở xã Đắk Nia có điều kiện bảo tồn nghề dệt (Ảnh: Đặng Dương).

Theo lãnh đạo UBND xã Đắk Nia, mô hình du lịch cộng đồng bon N'Jiêng không những góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Mạ, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Đắk Nông mà còn tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân trong khu vực.

"Du lịch cộng đồng là một hình thức mới đối với người dân địa phương. Tuy nhiên ngay khi triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả bước đầu. Đó là việc người dân có thể kiểm sống từ nghề dệt thổ cẩm, đan lát và sản xuất rượu cần", lãnh đạo UBND xã Đắk Nia nói.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã thực hiện nhiều dự án, mô hình giảm nghèo khác nhau.

Trong đó, các dự án nuôi bò sinh sản (huyện Cư Jút), trồng xoài (Đắk Mil), nuôi heo rừng (Đắk Song), bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm (Đắk R'lấp) và phát huy hiệu quả thấy rõ.

Kết quả đạt được sau khi triển khai các mô hình giảm nghèo là tạo cơ cấu kinh tế trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, dư thừa vào sản xuất, góp phần bảo đảm việc bố trí, sắp xếp lại cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, việc triển khai nhiều mô hình giảm nghèo đã tạo ra sản phẩm và thu nhập, giúp các hộ dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và là động lực cho nhiều hộ nghèo khác.

Đa dạng hóa sinh kế để giúp người dân thoát nghèo hiệu quả - 3

Nghề dệt thổ cẩm được coi là nghề thoát nghèo cho nhiều hộ dân tại Đắk Nông (Ảnh: Đặng Dương).

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, đến tháng 9 năm nay, toàn tỉnh có hơn 18 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ hơn 11% tổng số hộ toàn tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, trong giai đoạn mới, các Sở, ngành, địa phương sẽ tập trung vào thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ việc làm, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo nhằm đa dạng sinh kế, phát triển mô hình hay, tạo việc làm cho người dân. Đây là nhân tố quan trọng để giúp người dân thoát nghèo bền vững.