Cụ ông tuổi 90 dỗi yêu vợ vì "đi viện 9 ngày không gọi điện hỏi thăm"
(Dân trí) - Về nhà sau 9 ngày nằm viện, cụ Úc dỗi vợ vì không gọi điện hỏi thăm: "Nhà người ta, ông nằm viện bà tới tấp mua quà cho. Đây tôi chờ bà chả có gì. Nhớ, nhớ rơi cả nước mắt".
Đầu tháng 11, vợ chồng chị Đặng Khánh Huyền (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đón bố chồng là ông Hà Văn Úc (88 tuổi) từ bệnh viện huyện về nhà ở xã Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm). Cụ ông nằm viện một đợt 9 ngày để châm cứu, vật lý trị liệu chữa bệnh đau xương khớp.
Vừa về đến nhà, cụ Úc lập tức tìm vợ. Bà Lâm Thị Mão (85 tuổi), nghe tiếng các con gọi, mới vội từ nhà hàng xóm trở về.
Thấy vợ, cụ ông liền trách bà không gọi điện hỏi thăm: "Cứ thờ ơ đi đâu, chả nghe thấy tin tức gì cả. Nhà người ta, ông nằm viện bà tới tấp mua quà cho. Đây tôi chờ bà chả có gì. Nhớ, nhớ rơi cả nước mắt".
Dù giận dỗi vậy, chỉ lát sau, ông cụ lại xăm xắn quan tâm, nhắc vợ "ăn quà này đi", túi quà có 2 gói xôi và 2 cái bánh chưng.
Chị Huyền cho biết ông bà có điện thoại riêng nhưng đều không biết cách bấm gọi, chỉ nhận cuộc gọi đến. Do đó, thời gian chồng nằm viện, bà Mão chỉ hỏi thăm qua con cháu, không biết gọi điện để trực tiếp hỏi thăm, trò chuyện với ông.
Theo kế hoạch, chiều tối hôm đó ông Úc mới về đến nhà. Tuy nhiên, vợ chồng chị Huyền đón bố sớm hơn, trong khi bà Mão sang nhà hàng xóm chơi.
"Nói là giận nhau nhưng ông chỉ muốn trêu bà cười. Lúc sau là hai ông bà làm lành, như chưa có chuyện gì xảy ra", người con dâu kể.
Chị Huyền ghi lại khoảnh khắc đáng yêu của bố mẹ chồng rồi đăng tải lên mạng xã hội, không ngờ được nhiều người quan tâm. Đoạn video thu hút hơn 700.000 lượt xem, lan tỏa khắp các diễn đàn với hàng chục nghìn lượt yêu thích và bình luận.
"Xem xong video tôi đã hiểu tại sao ông bà có thể ở bên nhau tới già như vậy. Một người nói chuyện không đầu không đuôi, người kia vẫn hiểu và vẫn tiếp chuyện dù đang giận. Chúc ông bà thật nhiều sức khỏe", độc giả Ngọc Linh viết.
"Giận thì giận mà thương thì thương, ông vẫn không quên quà cho bà, chứng tỏ ông rất thương bà. Tình yêu ngày xưa đẹp thật sự", tài khoản Hương Liên viết.
Đây không phải lần đầu chị Huyền đăng tải câu chuyện của bố mẹ chồng. Từ đầu năm 2023, chị thường quay video về cuộc sống đời thường của vợ chồng ông Úc rồi chia sẻ bằng tài khoản mạng xã hội.
Những đoạn video bình dị nhanh chóng nhận về hàng triệu lượt xem, những bình luận tích cực từ cộng đồng mạng. Nhiều người nói rằng "xem video của ông bà nhẹ nhàng, chữa lành thực sự" từ những câu chuyện của hai vợ chồng già.
"Từ đó, tài khoản mạng xã hội của tôi chuyên đăng tải video về bố mẹ chồng. Đây sẽ là kỷ niệm quý báu cho con cháu sau này", chị Huyền cho hay.
Theo chị, đối tượng xem kênh chủ yếu là người trẻ tuổi, "có lẽ họ thích những hạnh phúc giản dị, đơn sơ và mộc mạc". Những video về cuộc sống đời thường của ông bà đã truyền năng lượng tích cực, yêu đời đến mọi người.
Mỗi lần thấy con dâu cầm điện thoại hướng về phía mình, ông Úc chỉ nghĩ là "được lên ti vi". Ông không biết bản thân đã nổi danh, được nhiều người xem yêu mến.
Ông Úc và bà Mão đã bên nhau gần 70 năm, có 8 người con nhưng không sống với ai. Chồng chị Huyền là người con thứ 7, sống cách nhà bố mẹ khoảng 20km. Hai người con gái ở gần nhất cách chừng 2-3km, người xa nhất tận Kiên Giang, cách 2.000km.
Trong cuộc sống, ông Úc luôn vui vẻ và hài hước, thường xuyên trêu vợ để xem phản ứng của bà Mão thế nào. Có lần, ông "dọa" viết đơn ly hôn, sống ly thân, "ông nhà dưới, bà nhà trên".
"Coi như tôi với bà không sống được với nhau nữa, tôi làm đơn cho bà ký", lời ông Úc không làm bà Mão lo lắng, trái lại bà quả quyết "ký luôn".
Dù thường xuyên cãi cọ, bà Mão được nhận xét là người tảo tần, chăm sóc chồng chu đáo. Mỗi ngày, bà đều "cơm bưng nước rót", lấy tăm, gọt hoa quả mời chồng, không để ông Úc động tay vào việc gì.
Trước đây, mỗi ngày bà Mão đều đi chợ. Nhưng ít năm gần đây, chân đau, bà giao tiền nhờ chồng đạp xe đi chợ.
Ông Úc không biết trả giá, người bán nói bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, đôi khi thừa tiền cho luôn người bán, thấy ai khổ còn dốc tiền mua hết cho người ta. Sau này, con cái lo việc chợ búa, mua thực phẩm để ông bà cất tủ lạnh ăn dần.
Mỗi cuối tuần, con cháu đều quây quần, ăn cơm với vợ chồng ông Úc. Khi chia tay, ông bà lại gói ghém quà quê cho con cháu đem lên thành phố.
17 năm làm dâu, chị Huyền được chứng kiến tình cảm bền chặt, sự quan tâm chu đáo mà bố mẹ chồng dành cho nhau.
"Tôi học được tình yêu thương ông bà dành cho nhau và dành cho con cháu, từ chính tình yêu giản dị của bố mẹ chồng mình", chị tâm sự.