Cụ bà U90 với xe trái cây cô độc: "Người trẻ đời còn dài, cần giúp hơn"
(Dân trí) - Không tiền, không nhà, không gia đình... đó là cuộc sống hiện tại của bà Út. Hằng ngày, bà mưu sinh bằng mớ trái cây gom nhặt nơi vườn chùa vẫn tâm niệm "đời không còn dài, để dành lo cho người khác".
Nặng gánh mưu sinh
Ở góc đường Nguyễn Sơn (quận Tân Phú, TPHCM), cứ 6h, người ta lại thấy cái dáng lưng còng, gầy đét của bà Út (82 tuổi) đang gắng sức đẩy chiếc xe ba gác chất đầy trái cây. Không ngày nào cụ bà vắng mặt nơi góc phố. Mỗi ngày, bà đều ngồi còng lưng bên hè đường, đôi mắt mờ đục trông ngóng khách.
Ngượng ngùng, bà Út kể, quê ở Đồng Tháp, đã lên TPHCM được 3 năm, mưu sinh ở góc đường này. Trước khi sắm chiếc xe ba gác đẩy đi bán trái cây, bà từng ở nhà trông trẻ, có khi một mình lo tới 10 đứa trẻ.
Làm miết mải, đến khi tuổi già, sức yếu, không còn tiếp tục với công việc vất vả cả ngày đó nữa, bà đành xoay chuyển. Thấy hoàn cảnh cụ bà khó khăn, một ngôi chùa dưới chân cầu Mỹ Thuận (tỉnh Vĩnh Long) đã gửi trái cây lên thành phố cho bà Út đi bán. Cứ khoảng 3 ngày, bán hết số trái cây, bà Út lại được chia vài trăm nghìn đồng.
Số tiền không nhiều nhưng cũng đủ để cụ bà đóng tiền trọ, mua thức ăn. Lắm lúc trời mưa bão, trái cây ế ẩm, bà Út lại cần nhờ cậy sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Đôi mắt đã mờ đục, thân hình gầy gò và chứng lãng tai, bà cụ cũng buôn bán kiểu không giống ai. Cứ có khách dừng trước xe trái cây là cụ bà chỉ cười xòa, nhờ khách tự cân đong, tự tính tiền giúp mình.
"Thỉnh thoảng, tôi cũng bị người ta lén lấy trái cây, bùng tiền và bỏ đi mất. Nhưng hầu hết người mua đều thật thà, lương thiện, thương tôi lắm. Khách vào mua sợ tôi xách nặng nên toàn tự cân, tự trả tiền, thậm chí là cho thêm", cụ bà nghèn nghẹn kể.
Đối với bà, buôn bán vất vả nhất là những hôm mưa. Nếu chạy kịp thì còn tìm được chỗ trú, ngược lại, chậm chân là chỉ có thể đứng chịu trận, cả người cả hàng ướt sũng, nước mắt hòa lẫn nước mưa.
Đầu buổi sáng, bà thường đẩy xe đến đường Nguyễn Sơn đứng bán. Đến khoảng 10h, cụ bà chuyển sang bán rong, đẩy xe khắp các nẻo đường để chào mời khách. Buổi chiều, bà chọn dừng ở mạn đường Thoại Ngọc Hầu, bán đến tối muộn mới về phòng trọ ngả lưng. Trung bình một ngày, bà Út phải đẩy xe đi hơn 10 km, đôi chân già nua nhức mỏi rã rời cả đêm.
Lá rách đùm lá… tả tơi
Nói đến hoàn cảnh của mình, bà Út không khỏi tủi thân. Kéo vạt áo thấm khóe mắt rơm rớm nước, cụ bà thở dài kể cảm giác cô độc, không một người thân thích nơi thành phố sôi động.
"Mỗi khi nghe người khác nói mua trái cây về cho mẹ, cho bà, tôi lại tủi vì không có cơ hội được nếm trải cảm giác gia đình đó. Buồn nhất là mỗi đêm về, nằm co ro trong nhà trọ một mình, ốm đau cũng một mình, giao thừa, ngày Tết cũng một mình", bà cụ trầm ngâm quay lưng xếp đi xếp lại đám trái cây, cố giấu đôi mắt đỏ hoe.
Bà Út sinh trưởng trong gia đình có 9 anh chị em ở Đồng Tháp. Thời còn chiến tranh, sau sự cố sập hầm trong trận bom Mỹ trút xuống vùng quê nghèo, 7 người anh chị của bà thiệt mạng cùng lúc.
Chỉ còn ba mẹ và em gái là nơi nương tựa, bà Út dốc lòng thương yêu, ngày đêm đi mót lúa, gặt thuê để kiếm tiền mang về nhà. Năm 20 tuổi, bà nguyện cạo trọc đầu, quyết tâm không đoái hoài hạnh phúc riêng để tập trung lo cho gia đình.
Ba mẹ qua đời, bà Út khi đó đã 40, bắt đầu ăn chay trường, xa lánh chuyện thế nhân, một tay chăm lo cho em gái cho đến khi em đi lấy chồng.
Ban đầu bà Út sống cùng gia đình em gái. Nhưng thấy hoàn cảnh của em quá nghèo, bản thân lại không muốn làm phiền đến ai, bà Út quyết định rời quê, lên thành phố lập nghiệp ở tuổi 80.
Ngày đầu rời quê, đặt chân đến thành phố lớn, cụ bà đã vô cùng sợ hãi. May mắn được những người xung quanh giúp đỡ, hỗ trợ, cuộc sống cũng lần hồi trôi qua.
Một mình ăn, một mình sống, một mình tự may vá từng tấm áo, manh quần từ vải cũ xin được, cụ bà còn thường xuyên may đồ mang cho những người đồng cảnh cơ hàn. Nhiều người biết bà Út chuyên may quần áo cho người nghèo còn chủ động tặng vải thừa để bà làm việc thiện.
"Lá rách đùm lá tả tơi thôi! Tôi nghèo nhưng quãng đời còn lại không dài, không cần lo nhiều nữa. Với nhiều người khác, cuộc sống trước mắt còn rất dài, họ cần được giúp đỡ hơn tôi. Tôi chỉ mong bản thân có đủ tâm sức để tự làm lụng kiếm tiền nuôi bản thân, giúp thêm được ai khác, đến khi mỏi mệt thì dừng…", bà Út nhỏ nhẹ.