Cụ bà 79 tuổi trụ lại Sài Gòn mưu sinh, nuôi hy vọng mang tro cốt con về
(Dân trí) - Cụ bà Đặng Thị Hoa, 79 tuổi, mưu sinh bằng gánh bánh tai yến, tai vạc ở góc đường Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng (Quận 1) với hy vọng mang tro cốt người con trai đã khuất về "ở cùng".
Thời trẻ cụ Hoa là thợ làm tóc. Năm 37 tuổi, cụ thôi chồng, một mình nuôi 2 con khôn lớn. Sau khi người con gái lớn lấy chồng ở Bến Tre, cậu con út cũng nối nghiệp mẹ, làm thuê ở tiệm tóc và quyết định không lấy vợ để chăm sóc mẹ đến già. Gần 2 năm trước, khi đang chạy xe máy trên đường, con trai cụ Hoa tự té ngã rồi qua đời ở tuổi 49.
"Người con gái một mực đòi đưa tro cốt của em trai gửi trong một ngôi chùa ở Bến Tre. Con làm thế là để ép tôi về ở cùng, để tiện chăm sóc", bà cụ quê Cần Thơ nói.
Thế nhưng, vì không muốn con gái phải bận tâm, cụ Hoa quyết định ở lại Sài Gòn một mình. Hằng ngày, cụ đổ bánh tai yến, lấy thêm bánh quai vạc, gánh hàng bán ở góc vỉa hè đường Hai bà Trưng - Lê Thánh Tôn, Quận 1, từ 4h sáng đến 13h chiều. Hơn hết, cụ Hoa cảm thấy ở Sài Gòn mình như "được gần con hơn" nên không muốn rời đi chỗ khác. Vì thế, bà cụ 79 tuổi quyết định ở lại buôn bán kiếm tiền, mong có thể đưa tro cốt con trai trở lại bên mình.
Để thực hiện được mong muốn đó, cụ Hoa cho biết cần gom đủ 7.000.000 đồng, gồm tiền gửi tro ở chùa, chi phí đi lại... Nhưng với thu nhập khoảng 150.000 đồng mỗi ngày, cụ chỉ đủ chi trả phí sinh hoạt. Lúc còn con trai, mỗi tháng anh đóng tiền trọ một lần. Bây giờ, cụ Hoa thường trả góp cho chủ nhà mỗi ngày 40 nghìn. Ngày nào cụ cũng mua 1 - 2 tờ vé số, để lỡ hên trúng số thì sớm đưa được tro cốt con trai lên gần mình.
"Trước đây có con trai lo, tôi bữa bán bữa nghỉ, giờ chỉ còn một mình nên ngày nào tôi cũng phải bán. Con gái thi thoảng có gửi tôi vài trăm nghìn, nhưng cuộc sống của con cũng còn khó khăn. Còn sức khỏe, tôi muốn tự lo", cụ Hoa tâm sự.
Cụ Hoa cho biết, việc buôn bán sớm tối cũng phần nào giúp nguôi nỗi nhớ con.
Mỗi ngày, cụ ủ khoảng 2,5 kg bột nếp và bột gạo từ tối để bột nở. Sáng 4 giờ, cụ thuê xe ôm chở gánh hàng ra điểm bán. Sau khi uống xong ly cà phê đã cúng con trai từ sớm, cụ không ăn sáng, đợi đến trưa đói bụng mới "ăn luôn thể cho tiết kiệm".
Bà cụ 80 một mình giữa Sài Gòn, sống với nỗi đau "người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh" lúc nào cũng âm ỉ. Cứ có người nhắc đến con, cụ lại rơm rớm nước mắt. Người mẹ luôn nhớ về những ngày sống cùng con trong căn phòng trọ chưa đầy 20m2. Với cụ Hoa, đó là những ngày hạnh phúc.
"Mỗi lần nhớ con, ngoại nhìn hình rồi đốt nhang cho nó. Ăn cái gì Ngoại cũng kêu nó về ăn chung, cụ Hoa nói.
11h trưa, cụ Hoa vừa chiên vừa bán được gần 100 cái bánh tai yến. Thấy một nữ công nhân vệ sinh đi qua, cụ liền bỏ 1 cái bánh vào bịch ni lông, tặng không lấy tiền.
"Thấy người khổ là ngoại cho, có khi ngoại cho bánh, cho tiền, chỉ được 5-10 ngàn thôi. Mình khó khăn nhưng có người còn khó hơn mình", cụ Hoa cười hiền lành.
Khi nắng gắt bắt đầu rọi thẳng vào khuôn mặt khắc khổ dấu vết thời gian, cụ bà chuẩn bị di chuyển sang một điểm khác để bán. Dáng người nhỏ thó với tấm lưng còng, bà cụ mang trên vai quang gánh nặng hơn 30kg, đi xăm xăm.
Biết mình tuổi đã cao nên nghĩ về tương lai, cụ chia sẻ rằng, hiện tại bán được ngày nào lo ngày đó. Sau này yếu đi không nổi, cụ sẽ chuyển sang bán cái khác. Cụ Hoa tính, sẽ đẩy xe thuốc lá hay lấy 50 tờ vé số ngồi một chỗ bán cho người đi đường.
"Còn sống ngày nào thì phải lao động ngày đó, không được ỷ lại vào con cái", cụ Hoa tâm niệm.
Anh Hà Phúc, một công nhân người Việt gốc Hoa đang đi đường thấy cụ bà ngồi ở vỉa hè bán bánh liền phanh xe dừng lại. Anh chia sẻ thường mua bánh của cụ Hoa vì đồ làm rất ngon.
"Đặc biệt, vì bà cụ nói được tiếng Hoa nên chúng tôi thường hỏi thăm vài câu qua lại rất vui vẻ. Tôi rất nể phục sức khỏe, tinh thần lạc quan của cụ bà U80 này", anh Phúc cho biết.
Giảng Vy