Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Từ ngày 1/4, Covid-19 trở thành bệnh nghề nghiệp thứ 35 trong danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) do Bộ Y tế quy định.
Theo Thông tư 15/2016/TT-BYT, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH có 34 nghề, được quy định cụ thể tại 34 khoản của Điều 3.
Ngày 9/2 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT. Thông tư 02 có thêm khoản 35 tại Điều 3 về danh mục bệnh nghề nghiệp. Khoản 35 này bổ sung bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH.
Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 1/4/2023, tức là thời điểm này, bệnh Covid-19 nghề nghiệp chính thức trở thành 1 trong 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Chế độ này dành cho những người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 như người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2.
Những người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cũng thuộc nhóm đối tượng được xét hưởng chế độ này.
Nhóm này bao gồm: người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; người vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19; người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19; người giám sát, điều tra, xác minh dịch Covid-19; nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Người làm nghề, công việc trên nếu được chẩn đoán xác định mắc bệnh Covid-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực (1/4/2023) thì được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành.
Theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người lao động bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người lao động bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
Ngoài ra, hàng tháng, người lao động bệnh nghề nghiệp nhận trợ cấp hàng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.