Công ty giải thể, làm sao điều chỉnh chức danh nghề nghiệp để nghỉ hưu sớm?
(Dân trí) - Bà Mây có 20 năm làm công việc nặng nhọc nhưng chức danh nghề nghiệp khác danh mục quy định. Hiện doanh nghiệp đã giải thể nên bà không biết làm sao để điều chỉnh.
Bà Mây (sinh năm 1970, ngụ TPHCM), phải 4 năm nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, bà đang bị thoái hóa cột sống, không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc nên muốn nghỉ hưu sớm.
Theo bà Mây, bà đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc 20 năm; trong đó có hơn 18 năm (từ năm 2003 đến năm 2021) làm việc nặng nhọc tại một công ty sản xuất vật liệu xây dựng với vị trí việc làm là tạo hình gạch mộc thủ công. Sau đó, vì sức khỏe suy giảm nên bà nghỉ việc, làm công nhân phục vụ đến nay tại một công ty khác.
Khi biết quy định nghỉ hưu sớm cho người đóng đủ BHXH 20 năm, trong đó có 15 năm làm việc công việc nặng nhọc thì sẽ được nghỉ hưu sớm trước 5 tuổi, bà Mây đã đến cơ quan BHXH để hỏi thủ tục làm hồ sơ nghỉ hưu sớm.
Tuy nhiên, cơ quan BHXH quản lý hồ sơ bảo hiểm của bà Mây cho rằng bà tham gia BHXH với chức danh "Công nhân sản xuất gạch mộc" không khớp với danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.
Do đó, cơ quan BHXH yêu cầu bà Mây phải về lại công ty cũ để xem lại chức danh công việc, nếu nội dung công việc của bà Mây trùng khớp với một công việc quy định trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì phải điều chỉnh lại chức danh cho phù hợp. Khi đó, bà Mây mới đủ điều kiện nghỉ hưu sớm theo quy định.
Điều khó khăn là công ty sản xuất vật liệu xây dựng mà bà Mây từng làm việc đã giải thể nên không biết làm sao để điều chỉnh chức danh công việc. Công ty bà Mây đang làm thì không có quyền hạn để làm việc này.
Theo BHXH Việt Nam, hiện nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được áp dụng theo danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Căn cứ vào danh mục trên, chức danh nghề "Công nhân sản xuất gạch mộc" không có trong danh sách nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Do đó, cơ quan BHXH chưa có căn cứ để xác định nghề của bà Mây được tính là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo BHXH Việt Nam, trường hợp bà Mây làm công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có hồ sơ thể hiện, có hưởng lương, hưởng các chế độ, chính sách bảo hộ lao động, BHXH và đóng BHXH theo nghề đó mà sổ BHXH của bà ghi chưa đúng chức danh nghề, công việc quy định trong danh mục thì có thể làm hồ sơ điều chỉnh lại.
Theo đó, bà Mây có thể tìm kiếm, tập hợp hồ sơ bao gồm giấy tờ gốc liên quan như: Quyết định phân công vị trí công việc, quyết định hoặc hồ sơ thể hiện việc hưởng lương, hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các giấy tờ khác thể hiện tên nghề mà bà từng làm có trong danh mục ban hành kèm Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH.
Khi bà Mây cung cấp đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ xem xét, thực hiện điều chỉnh thông tin ghi trên sổ BHXH để làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ BHXH (nếu đủ điều kiện).