Công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu
(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi, công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ, tái thiết cuộc sống.
Ngày 10/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo "Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu" tại TPHCM.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức, Nhà báo Nguyễn Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Dân trí và các đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và một số hội, đoàn thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội một số tỉnh, thành phố phía Nam, các trường đại học, viện nghiên cứu...
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: "Thiên tai, biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, đã đang và sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu, trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất".
Theo Thứ trưởng, ước tính trong 20 năm qua, ở Việt Nam, các loại thiên tai đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại hơn 6,4 tỷ USD. Mỗi năm, trung bình thiên tai làm 400 người chết và mất tích. 7-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới mỗi năm cũng gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: "Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành kinh tế".
Theo Thứ trưởng, tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực trợ giúp xã hội khá trực tiếp, thiệt hại về tài sản và con người tăng lên. Từ đó, nhu cầu trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên tăng lên, làm gia tăng chi phí trợ giúp xã hội đột xuất…
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá, hoạt động công tác xã hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ứng phó biến đổi khí hậu. Vai trò này thể hiện rõ ở 6 khía cạnh.
Thứ nhất, công tác xã hội giúp cơ quan chức năng thống kê, đánh giá được tình hình thiệt hại của người dân, xác định các nhu cầu cần cứu trợ khẩn cấp.
Thứ hai, lập kế hoạch trợ giúp khẩn cấp, kế hoạch chuẩn bị nguồn lực ứng phó với thiên tai.
Thứ ba, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận động và điều phối nguồn lực hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
Thứ tư, thu xếp, hỗ trợ chỗ ở khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỗ trợ cho những gia đình có người chết, bị thương, hỗ trợ tâm lý…
Thứ năm, hỗ trợ tái thiết phục hồi sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, cộng đồng sau thiên tai.
Cuối cùng, công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức phòng, chống thiên tai cho người dân.
Mạng lưới hỗ trợ người yếu thế
Tại hội thảo, ông Tô Đức, Cục trưởng Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) báo cáo về hoạt động công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu hiện nay.
Cục trưởng Tô Đức khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của 235.000 người đang tham gia hoạt động công tác xã hội ở các đơn vị công lập và ngoài công lập. Nguồn nhân lực này tạo thành mạng lưới hỗ trợ những người yếu thế, trong đó có nhóm người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Theo Cục trưởng Tô Đức, Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu, chủ động hoàn thiện các chính sách của ngành theo hướng phù hợp với các chương trình, đề án, kế hoạch và chiến lược quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu, đề xuất ban hành nghị định về công tác xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với các nhóm dễ bị tổn thương.
Cục trưởng Tô Đức cho biết, hệ thống chính sách đang được hoàn thiện nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cơ hội việc làm, đời sống của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan chuyên môn đóng góp nhiều ý kiến làm rõ tình hình và tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống người dân và kinh tế - xã hội đất nước.
Thạc sĩ Nguyễn Thu Hiền (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên Môi trường) trao đổi về tình hình biến đổi khí hậu và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay ở Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Trung Hải (Trường Đại học Lao động xã hội) trình bày tham luận về vai trò của công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Theo TS Trung Hải, thiên tai bão lũ tác động lớn đến sức khỏe tâm thần, công ăn việc làm, sinh kế, kinh tế của từng người dân, gia đình. Công tác xã hội giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống thiên tai, bão lũ; hỗ trợ người dân ứng phó tốt hơn khi xảy ra thiên tai…
Đại diện Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM), có bài tổng quan đánh giá tính dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, giải pháp nâng cao năng lực thích ứng.
PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) khái quát về những thay đổi trong công tác đào tạo ngành công tác xã hội hiện nay thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao nhận thức về công tác xã hội thích ứng biến đổi khí hậu
Trong phiên 2 của hội thảo, thạc sĩ Lê Xuân Hòa (Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên Môi trường) đóng góp nhiều ý kiến về giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xã hội nhằm hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Nhà báo Lại Quang Anh, đại diện báo Dân trí, chia sẻ về các khuyến nghị, giải pháp truyền thông về nghề công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, đại biểu đến từ Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành cùng nhau thảo luận, chia sẻ về kết quả thực hiện công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương của mình.
Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, bày tỏ trăn trở về thu nhập của cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội, vì thu nhập thấp nên rất khó thu hút người tham gia công tác này.
Cục trưởng Tô Đức tán thành đây là ý kiến rất xác đáng, cản trở sự phát triển của ngành công tác xã hội. Ông khẳng định, vấn đề này sẽ được xem xét, nghiên cứu giải quyết khi Chính phủ ban hành Nghị định về ngành công tác xã hội.
Đại diện các trường đại học cũng đóng góp về công tác đào tạo nhân lực công tác xã hội và vấn đề đầu ra, thu nhập cho người làm nghề này.
Phát biểu tổng kết hội thảo, nhà báo Nguyễn Xuân Toàn, Phó tổng biên tập báo Dân trí, cho biết: "Ban tổ chức hội thảo đã nhận được sự tham gia nhiệt tình bằng nhiều tham luận, ý kiến của các chuyên gia, cơ quan ban ngành. Các ý kiến tập trung làm rõ những vấn đề mà Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đã gợi mở".
Theo nhà báo Nguyễn Xuân Toàn, các chuyên gia đã chia sẻ, thảo luận nhiều nội dung quan trọng như tình hình biến đổi khí hậu và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay ở Việt Nam; vai trò của công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, giải pháp nâng cao năng lực thích ứng; đào tạo công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu…
Các đại biểu cũng đóng góp nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội nhằm hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu; giải pháp truyền thông về nghề công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu; chia sẻ về một số kết quả thực hiện tốt công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu ở một số địa phương.
Phó Tổng Biên tập báo Dân trí kỳ vọng, hội thảo tổ chức tại Hà Nội ngày 18/10 vừa qua và hội thảo vừa diễn ra tại TPHCM sẽ nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành và cộng đồng về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó sẽ phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu tới cuộc sống người dân.