Công nhân giảm chi cho con út để lo học phí đầu năm cho con lớn

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Để có tiền mua sách, quần áo và lo đủ các loại phí đầu năm học cho đứa con lớn gửi ở quê, tôi đành để đứa con nhỏ ở trọ tự lo khi hai vợ chồng đi làm", nam công nhân nói.

Quay cuồng với các khoản phí

Ít ngày trước khai giảng năm học mới, qua chiếc điện thoại sờn cũ, âm thanh phát ra rè rè, anh Cao Văn Đạt nghe ba mẹ ở quê nhắc về chuyện sắp đến đợt đóng học phí cho con gái.

Nằm trong căn trọ, nam công nhân cố không thở dài, trong đầu ngổn ngang những phép tính, sao để đồng lương nhận được vừa đủ chi cho tất cả mọi thứ.

Công nhân giảm chi cho con út để lo học phí đầu năm cho con lớn - 1

Không chỉ lo cho các con, vợ chồng anh Đạt còn phải xoay gửi tiền về cho ba mẹ già, bệnh tật ở quê (Ảnh: Nguyễn Vy).

Mới lên TPHCM được 2 năm, anh Cao Văn Đạt (34 tuổi, quê tại tỉnh Sóc Trăng) bộc bạch kinh tế gia đình khá eo hẹp, chỉ vừa đủ sống. Vợ chồng anh cùng là công nhân tại quận Bình Tân (TPHCM). Hằng tháng, thu nhập của đôi vợ chồng ngót nghét 15 triệu đồng.

Số tiền này không dư, không thiếu, mà chỉ vừa đủ để anh lo việc chi tiêu hàng ngày.

"Tôi có hai đứa con đều đã tới tuổi đi học. Ngoài chuyện chi học phí cho con, vợ chồng tôi còn phải chi cho các khoản sinh hoạt của cả gia đình, lo cho ba mẹ ở quê. 15 triệu đồng thấy vậy chứ loay hoay là hết", anh Đạt nói.

Phí sinh hoạt quá đắt đỏ, anh Đạt đành gửi con gái lớn về quê, gửi tiền nhờ ba mẹ chăm giúp. Tháng trước, anh vừa gửi 2 triệu đồng nhờ ba mẹ mua dần sách vở, quần áo cho con. Tháng này, vợ chồng anh định gói gém gửi thêm một khoản nữa để đóng học phí.

"Chưa biết sẽ tốn bao nhiêu tiền nhưng có thể sẽ khá nhiều. Cái nào lo được thì tôi cố lo trước, tránh dồn một khoản lớn", anh Đạt nói.

Công nhân giảm chi cho con út để lo học phí đầu năm cho con lớn - 2

Anh Đạt lắp camera ở phòng để quản lý vì không tìm được người trông con (Ảnh: Nguyễn Vy).

Con trai nhỏ học cấp 1, trường cách nhà trọ khoảng 1km. Để có tiền lo cho con gái lớn, anh Đạt đành cắt khoản chi phí bán trú của con. Hằng ngày, vợ chồng anh bận đi làm, con trai nhỏ phải tự đi bộ đến trường cùng các bạn sống cùng khu trọ.

Vợ chồng anh cũng chuẩn bị sẵn cơm, buổi trưa con tự về ăn rồi nghỉ ngơi, đầu giờ quay lại trường tiếp tục học. Để an tâm hơn, anh Đạt còn gắn thêm camera ở phòng trọ để tiện việc theo dõi con.

Mẹ nghèo quyết đổi phận con 

Nhìn con lật vở, đọc từng con chữ đầu đời, anh Đạt chợt thấy chạnh lòng rồi quyết tâm làm mọi cách để con được như những đứa trẻ khác. Vợ chồng anh thấm cảnh cực khổ vì không được học đến nơi đến chốn, nên quyết tâm cho con học hành để có cuộc sống tốt hơn.

Kể từ khi bị công ty sa thải, nữ công nhân Lê Thị No (quê tại tỉnh Trà Vinh) càng khó khăn hơn khi kinh tế gia đình eo hẹp. Chồng làm cùng công ty, nhưng vào thời điểm ít việc, anh phải chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền nuôi con.

Công nhân giảm chi cho con út để lo học phí đầu năm cho con lớn - 3

Gia đình công nhân sống trong những căn trọ nhỏ hẹp (Ảnh: Nguyễn Vy).

Nén nước mắt, chị No xin vào làm tạp vụ cho trường học gần nhà. Dạo gần đây, chồng chị No được tăng ca trở lại, nhưng hai vợ chồng cố lắm cũng chỉ kiếm được hơn 15 triệu đồng/tháng.

Chị No nhớ rõ ngày nhận thông báo bị sa thải cũng là hôm con gái đến báo tin đỗ đại học ở TPHCM. Lướt mắt nhìn các khoản phí ở trường của con, chị No khóc nghẹn nhưng vẫn cố mọi cách lo cho con đến nơi đến chốn.

"Con hiểu hoàn cảnh gia đình nên cũng không đòi hỏi gì mà luôn cố gắng học. Thấy con như vậy, tôi vui lắm, vợ chồng động viên nhau cố gắng, tìm cách lo cho con học. Sau này, con có công việc ổn định, sẽ không phải sống cảnh bấp bênh như ba mẹ nữa", chị No nghẹn ngào.

Để có tiền lo học phí cho con gái vào lớp 6, nữ công nhân Vũ Thị Hà (quê tại tỉnh Thanh Hóa) cũng tranh thủ bán hàng trực tuyến sau những giờ tan ca.

Công nhân giảm chi cho con út để lo học phí đầu năm cho con lớn - 4

Một mình gánh vác kinh tế gia đình, chị Hà thường trong cảnh ngủ muộn, dậy sớm (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chị Hà là mẹ đơn thân, một mình gánh vác gia đình. Ban ngày cắm mặt ở công ty, tối đến chị lại tranh thủ vừa dạy con học, vừa online soạn, bán hàng trên mạng, chốt đơn, gói hàng. Công việc nhiều khi bắt đầu từ 2h để kịp sáng sớm đi gửi hàng cho khách ở tỉnh.

"Nhờ lăn lộn làm thêm, tôi mới kiếm thêm được 1-2 triệu đồng mỗi tháng. Động lực duy nhất của tôi hiện nay là các con. Số tôi đã khổ, giờ chỉ mong con có cuộc sống tốt hơn", chị Hà tâm sự.