"Công chức làm việc, chắt bóp cả đời vẫn không mua được nhà"
(Dân trí) - Đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa phản ánh tâm tư của nhiều người lao động trong khu vực công. Với khu vực doanh nghiệp, người lao động mong đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp để có thêm việc làm.
Sáng 13/12, kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Hoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua người lao động trên địa bàn toàn tỉnh rất vui mừng, phấn khởi trước sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là việc được tăng lương tối thiểu vùng.
Theo bà Hoa, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay Thanh Hóa chưa thu hút được các dự án công nghệ cao, một số dự án trọng điểm còn chậm, kết cấu khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Bà Hoa nhận định, việc chưa thu hút được dự án công nghệ cao dẫn đến chưa kéo được nguồn nhân lực chất lượng cao về địa phương làm việc. Nhiều con em học đại học, học các ngành, đặc biệt là ngành kỹ thuật phải đi các địa phương khác để tìm việc làm.
Bà Hoa cũng chỉ ra nguyên nhân của việc chưa thu hút được nguồn lao động trong tỉnh một phần do Thanh Hóa chưa đầu tư nhiều hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Cụ thể, các khu công nghiệp gần như chưa có nhà ở xã hội, nơi lưu trú để công nhân thuê hoặc mua. Ngoài ra, các hạng mục như trường học, phòng khám, nơi vui chơi giải trí cho người lao động tại các khu công nghiệp còn hạn chế.
"Chúng tôi đi thăm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng thấy hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp tại các địa phương tương đối tốt. Hạ tầng trong khu công nghiệp tốt, đồng bộ chính là yếu tố giúp thu hút được nguồn lao động ở các địa phương về", bà Hoa chia sẻ.
Đại biểu Trịnh Thị Hoa đề nghị tỉnh Thanh Hóa, ngoài việc tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng về kinh tế, hạ tầng kỹ thuật cũng cần đầu tư hạ tầng xã hội để thu hút lao động ở các địa phương khác về.
Theo bà Hoa, thời gian vừa qua, tỉnh đã rất quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, công nhân lao động và viên chức, trong đó có viên chức thu nhập thấp như giáo viên mầm non vẫn chưa tiếp cận được với chính sách về nhà ở xã hội của tỉnh.
Bà Hoa cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần có cơ chế đầu tư cho công tác tuyên truyền trên báo, đài để người dân biết đến các khu vực có nhà ở xã hội, các khu chung cư, căn hộ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa cần cân đối nguồn vốn, bao gồm cả vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên để ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội, nhằm mục đích tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với việc mua nhà ở xã hội dễ dàng hơn.
Bà Hoa lấy dẫn chứng: "Có những công chức đi làm, tiết kiệm, chắt bóp cả đời vẫn không mua được nhà. Qua theo dõi chúng tôi thấy thực tế đúng là như vậy. Chúng tôi mong muốn tỉnh cần có chính sách ưu đãi hơn để người lao động được vay vốn mua nhà ở xã hội".
Đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, thời gian qua có tình trạng các khu nhà ở xã hội tại tỉnh Bắc Ninh cho nhiều người nước ngoài thuê.
Bà Hoa đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa thực hiện các đợt khảo sát, kiểm tra các đối tượng được mua, thuê nhà trên địa bàn hiện nay. Ngoài ra, phải kiểm tra lại quy trình, thủ tục liên quan đến vấn đề xây dựng cũng như mua, thuê nhà ở xã hội.