Con gái bỏ chồng, gây choáng với tuyên bố trước bố mẹ "mặt ai nấy giữ"
(Dân trí) - Khi chị Soan quyết định dứt bỏ cuộc hôn nhân địa ngục, người ra sức ngăn cản là bố mẹ chị. Ông bà nói chị bất hiếu, không giữ mặt mũi, thể điện cho gia đình...
Bước vào cuộc hôn nhân cách đây 6 năm, chị Lê Ngọc Soan (33 tuổi, đang sống ở TPHCM) hiểu thế nào là "địa ngục trần gian". Đó là những tháng ngày ngập trong nỗi đau tinh thần lẫn thể xác...
Chị bị chồng kiểm soát từ chuyện ăn mặc, ngủ nghỉ, đi lại... đến nỗi không thở nổi. Nhiều khi đi làm, chị diện bộ đầm, thoa chút son hay đơn giản là đi làm tóc... đều có thể khởi nguồn cho những trận hành hạ với đủ lời xỉ nhục, xúc phạm cùng những trận đòi roi. Người chồng ngăn cản vợ giao tiếp với mọi người khác giới, kiểm tra, rình mò điện thoại, tài khoản facebo của chị từng ngày, từ giờ...
Những tưởng anh yêu vợ nên ghen mù quáng nhưng thứ tình yêu đó chỉ đi cùng sự chèn ép, bóc lột...
Soan biết chồng công việc ổn định, lương cao nhưng không biết cụ thể bao nhiêu. Anh đi làm giữ riêng lương của mình, lấy lý do cần phải dành dụm, tiết kiệm, lương của Soan để chi tiêu mọi thứ trong gia đình từ ăn uống, điện nước, mua sắm, cưới hỏi, hai bên nội ngoại...
Vậy mà chị cũng đâu đã được yên. Chồng cho rằng vợ giấu tiền là quỹ đen nên bắt Soan phải báo cáo cụ thể lương hàng tháng của chị và khoản chi ra cho gia đình bằng văn bản. Soan phản đối, vợ chồng lại cãi nhau và khi nổi khùng anh sẽ lại dùng nắm đấm nên sau cùng, Soan gật đầu thực hiện yêu cầu cho gia đình yên ấm.
Thôi thì thua thiệt về tiền bạc, Soan chịu đựng. Nhưng lấy một người chồng mang tư duy "phụ nữ là để khổ" mới là tận cùng khiếp đảm. Ra ngoài anh tỏ ra thanh lịch, ga lăng, còn trong nhà, cả gia đình nhà nội cùng thống nhất quan điểm "tất cả mọi việc là của đàn bà". Soan nói không quá, chồng cô chưa từng động tay vào bất cứ việc gì trong nhà.
Đã không làm gì nhưng anh lại săm soi, phán xét, đòi hỏi đủ kiểu, có chuyện gì cũng đỗ lỗi "do con đàn bà". Những khi không vừa ý hay bực mình là anh ta lại trút giận bằng lời lẽ và nắm đấm lên người vợ.
Đã một vài lần, Soan viết đơn ly hôn nhưng bị chính bố mẹ ruột ngăn cản. Ông bà quay ngược mũi dao, hướng thẳng vào tim con gái, nói Soan thế nào chồng mới đánh. Khủng khiếp hơn, ông bà cũng cho rằng đàn ông "dạy" vợ là... chuyện bình thường, phụ nữ thì phải nhẫn nhịn vì gia đình, vì bố mẹ, vì con cái.
Giữa năm 2020, sau một lần phải ôm con tìm tới nhà tạm lánh vì bị chồng bạo hành, Soan gây "sốc" cho tất cả người quen và cả gia đình khi lên tiếng công khai việc bị chồng bạo hành nhiều năm nay và xúc tiến thủ tục ly hôn.
Bố mẹ chị sang trách con gái, lôi ra một loạt dẫn chứng người này người kia chồng nghiện ngập, gái gú mà vẫn chăm sóc, hầu hạ chồng. Con gái bỏ chồng, dù chồng không ra gì, với bố mẹ Soan, đều là chuyện không thể nào chấp nhận được.
Biết không lay chuyển được con, bố mẹ cô đề nghị con "tem tém cái miệng lại", giữ mặt mũi, thể diện cho bố mẹ.
Lần đầu tiên trong đời, Soan - cô con gái từ bé đến lớn chưa một lần làm trái ý bố mẹ, nhìn thẳng vào ông bà, nói rõ: "Xin lỗi ba mẹ, mặt mũi ai, thể diện ai người đó phải tự giữ. Con không giữ thay ba mẹ được!".
Soan ra tòa, chấm dứt cuộc hôn nhân chìm ngập trong tủi nhục, đau khổ.
"Nhà vô phúc có đứa con gái bỏ chồng"
Sau ly hôn, Soan vẫn gặp rất nhiều áp lực từ gia đình. Bố chị nói chị là "đứa con mất dạy", không đồng ý cho cô về quê, kể cả tết nhất.
Mỗi lần mẹ Soan gọi điện lại chép miệng với cháu gái 5 tuổi: "Tội nghiệp đứa cháu không cha". Bà cũng thường nhắc "nhà vô phúc có đứa bỏ chồng" để chì chiết con gái...
Vượt qua áp lực gia đình để sống cuộc đời của mình, giờ Soan không còn quá quan tâm đến lời nói, suy nghĩ của người khác, kể cả bố mẹ. Chị nhận ra, mình và không ít người lâu nay "trói" đời mình vì những áp lực vô hình.
Chữ hiếu trở thành một gánh nặng oằn vai nhiều đứa con. Họ chịu đựng, có khi đánh mất cả cuộc đời vì giữ mặt mũi cho người khác, nhất là phái nữ, khi vẫn phải mang quá nhiều định kiến "con gái phải thế này, phụ nữ phải thế kia"...
Thực tế, rất nhiều phụ nữ bị bạo hành vẫn toàn nghe những lời động viên hãy chịu đựng, nhẫn nhịn. Không ai nói với họ rằng, cách tốt nhất để báo hiếu với cha mẹ là mình phải sống hạnh phúc, sống đàng hoàng, sống an toàn và sống thật. Phụ nữ cần mạnh mẽ nhưng là mạnh mẽ vì những điều tốt đẹp hơn, chứ không phải mạnh mẽ để chịu đựng khổ cực và đày đọa.
Bà Nguyễn Phương Minh, chuyên tâm lý tại TPHCM chia sẻ, nhiều chị em vướng vào những cuộc hôn nhân địa ngục, bị chồng bạo hành nhưng không thể tự giải thoát đời mình. Có người phụ thuộc về kinh tế nhưng đáng sợ hơn là họ bị lệ thuộc về tinh thần.
Nhiều người chịu áp lực từ chính gia đình, bố mẹ. Họ sợ bị "kết tội" bất hiếu, sợ làm bố mẹ đau khổ, sợ làm mất mặt gia đình... nên nhiều người chọn im lặng, chịu đựng.
Theo bà Phương, bố mẹ hay nói "yêu con vô điều kiện" nhưng thật ra, tình yêu của bố mẹ lại thường kèm điều kiện con cái phải theo ý mình, vì mình. Từ trong tiềm thức tuổi thơ, đứa trẻ sợ nhất là làm bố mẹ thất vọng nên thường đến tuổi trưởng thành cũng vẫn chọn sống theo "điều kiện của bố mẹ" chứ không phải vì bản thân.
"Không ít trường hợp bố mẹ độc hại, tôi phải nói, các bạn có quyền từ chối thực hiện đòi hỏi của họ, không để bố mẹ làm đau mình", chuyên gia Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh.