Khánh Hòa:

"Cố gắng để các bác có một cái Tết đầm ấm!"

Hải Đăng

(Dân trí) - "Tôi sống ở đây không lo gì cả! Nhà nước lo chu đáo từ đôi dép đến cái khăn mặt, áo quần. Những năm đầu đón Tết ở đây còn lạ lẫm nhưng rồi cũng quen dần", ông Bài chia sẻ.

"Nhà nước lo từ đôi dép đến cái khăn mặt…"

Sau 9 năm sinh sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Minh Bài (84 tuổi) vẫn nhớ như in những ngày đầu mình vừa đặt chân đến đây.

Quê gốc ở Hà Tây, ông cùng gia đình vào Nam làm kinh tế mới nhưng không may vợ và 2 con bị sốt rét, lần lượt ra đi. Ông Bài trải qua nhiều năm cơ cực như đi lượm phế liệu, đạp xích lô, làm thuê ở Nha Trang trước khi vào Trung tâm bảo trợ xã hội.

Cố gắng để các bác có một cái Tết đầm ấm! - 1

Không khí đón Tết nguyên đán tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa

"Tôi sống ở đây không lo gì cả! Nhà nước lo chu đáo từ đôi dép đến cái khăn mặt, áo quần. Những năm đầu đón Tết ở đây còn lạ lẫm nhưng sau đó cũng quen dần", ông Bài chia sẻ.

Còn bà Nguyễn Thị Tám dù đã bước qua tuổi 89 nhưng cơ thể vẫn rất dẻo dai, đầu óc rất minh mẫn. Bà Tám không có người thân bên ngoài. "Tôi ở đây cũng được 4 năm rồi và cũng nhờ được khám sức khỏe thường xuyên nên cũng không đau ốm gì", bà Tám nói 

Cũng như ông Bài, bà Tám, nhiều đối tượng bảo trợ xã hội khác ở đây cũng hào hứng chờ Tết đến.

Cố gắng để các bác có một cái Tết đầm ấm! - 2

Nữ cán bộ y tế khám sức khỏe cho bà Nguyễn Thị Tám, người sống ở trung tâm 4 năm

"Vì một cái Tết đầm ấm, coi họ như người thân"

Những ngày giáp Tết nguyên đán Tân Sửu, các cán bộ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa đang hối hả trang hoàng, dọn dẹp để chuẩn bị cho một cái Tết đang đến gần.

"Chúng tôi cố gắng để các bác và các em khuyết tật có một cái Tết đầm ấm và rộn ràng. Chúng tôi coi họ như người thân của mình, cố gắng để làm sao các bác không có cảm giác bị bỏ rơi", ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.

Kể về công tác chuẩn bị Tết, ông Công cho biết, vào giữa tháng Chạp, Trung tâm phối hợp với một đơn vị bộ đội đóng chân tại Nha Trang để trang trí cho Hội chợ Xuân tại không gian trung tâm. Hội chợ Xuân có 5 gian, mỗi gian 6m2 để làm điểm sinh hoạt Tết. Tại không gian này sẽ tổ chức trưng bày hoa, cây cảnh, trang trí Tết, vẽ thư pháp.

Cố gắng để các bác có một cái Tết đầm ấm! - 3

Lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội Khánh Hòa sẽ gặp mặt, chúc tết và mừng tuổi các bác và các em khuyết tật, mồ côi

Khoảng 25 tháng Chạp, Trung tâm tổ chức gói bánh chưng, bánh tét để phục vụ nhu cầu đón tết cho các đối tượng. Dự kiến khoảng ngày 20 Tết, Trung tâm sẽ tổ chức tiệc tất niên cho toàn thể các đối tượng nhằm khép lại công tác một năm, cũng là dịp cán bộ, nhân viên và các đối tượng gặp gỡ, giao lưu, chuyện trò những ngày cuối năm.

"Vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, lãnh đạo Trung tâm sẽ gặp mặt, chúc Tết và mừng tuổi các bác và các em khuyết tật, mồ côi trong Trung tâm. Sau đó tổ chức sinh hoạt văn nghệ, cát hát mừng xuân", Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa cho hay. Dịp Tết, các đối tượng cũng được phát 2 bộ áo quần mới, chăn, chiếu…

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa có 50 người cao tuổi, 34 người khuyết tật, hơn 20 người thuộc diện bảo vệ khẩn cấp và hơn 30 trẻ mồi côi, khuyết tật. Đây là những hoản cảnh đặc biệt khó khăn, không có người thân, không có nơi nương tựa.