Cô gái nói với chồng sắp cưới: "Em đã sống thử 2 lần, anh hiểu chứ?"
(Dân trí) - Từng hai lần sống thử, chị Giang có quan điểm "sống thử, đàn ông được lợi thì phụ nữ cũng được lợi, phụ nữ mất thì đàn ông cũng mất"...
Cách đây 9 năm, khi bắt đầu mối quan hệ nghiêm túc với người chồng hiện tại, chị Đậu Hoàng Giang, 38 tuổi, ở Gò Vấp, TPHCM đã nói rõ với anh, mình từng sống thử với hai anh người yêu cũ.
Lần sống thử đầu tiên là lúc chị học đại học năm cuối, với người đàn ông lớn hơn chị 3 tuổi. Sống chung được một năm thì cả hai chấp nhận chia tay vì không thể thích nghi nổi với nhau.
"Đối tác" ngán ngẩm khi Giang yêu cầu cùng làm việc nhà, chịu không nổi với thói quen tiết kiệm cũng như tính cách mạnh mẽ cùng cách nói chuyện thẳng thắn khó nghe của chị. Còn Giang cũng hãi hùng với anh bạn trai cao ráo, đẹp đẽ nhưng lại lười, bẩn vô đối ấy. Cô ám ảnh với cảnh anh chàng nằm ngoáy mũi và đưa tay quẹt luôn lên sô pha, lại thêm tính xấu ăn uống thô lỗ. Đã vậy, anh chàng còn ghen tuông một cách bệnh hoạn, suốt ngày kiểm soát bạn gái...
Sau đó gần 5 năm, khi đã đi làm ổn định và có nhà riêng ở Sài Gòn, Giang một lần nữa sống chung với bạn trai cùng tuổi, cùng quê. Bạn trai cô giỏi giang, thu nhập cao, chịu khó... Sống chung một thời gian, hai người đã từng tính đến việc kết hôn.
Nhưng sau đó, Giang nhận ra bạn trai và gia đình của anh tư duy rất truyền thống, có tư tưởng trọng nam khinh nữ... Anh người yêu mở miệng là khinh khi "đồ đàn bà". Bố mẹ, chị em anh ta còn mặc định sau này con dâu sống chết gì cũng phải sinh bằng được con trai, nếu không thì "nhờ người khác đẻ".
Chịu không nổi với tư duy này, Giang tìm cách tháo chạy. Đến lúc đó, anh bạn trai vẫn không tin bạn gái "đá" mình, vẫn luôn nghĩ kiểu "cô đã sống với tôi mà dám bỏ"?
Nếu tính cả người chồng hiện tại, chị Giang đã ba lần sống thử. Chị kể, chồng mình khi biết chuyện không quá "sốc" vì trong thời gian quen nhau, anh đã biết chị là người độc lập và quan điểm sống rất rõ ràng. Cả hai người cùng chung quan điểm về các giá trị sống, tư tưởng rất cởi mở, không bị đè nặng bởi những định kiến.
Đến nay vợ chồng chị đã có hai cô con gái, đời sống kinh tế rất khá giả. Vợ chồng sống chung cũng nồi niêu đụng chạm nhưng hai người đều hiểu và bằng lòng với cả ưu điểm cũng như những tật xấu của nhau.
Biết chị từng sống thử, có người còn gièm pha: "Đàn ông bên ngoài nói vậy chứ trong lòng ông nào chẳng ấm ức khi vợ đã "qua tay" người khác".
Với chị Giang, ông nào mang ấm ức thì ông ấy... tự rước khổ vào thân.
Sống thử, đừng xem phái nữ là nạn nhân
Khi chị sống thử, có rất nhiều người biết chuyện hỏi: "Lỡ rồi nó không cưới mày thì sao?", "Lỡ nó bỏ mày thì sao"?
Với chị Giang, đây là những câu hỏi đầy định kiến, nặng nề với nữ giới, xem nhẹ nữ giới. Biết đâu mình là người bỏ người ta, biết đâu mình là người không thèm cưới người ta...
Theo chị Giang, nhiều người trong cuộc hiểu chưa đúng về "sống thử" và luôn đặt phái nữ ở tâm thế nạn nhân, luôn chịu thua thiệt.
Trong khi, sống thử là sự lựa chọn tự nguyện của cả hai, là để hai người có thêm cơ hội hiểu về con người, thói quen, bản tính của nhau... Nghĩa là cả hai hoặc một hai trong hai người có thể chia tay khi thấy không phù hợp.
Nhưng không ít cô gái "góp gạo thổi cơm" lại mặc định người sống cùng là chồng mình, mình là vợ người ta... Họ trói luôn trách nhiệm cuộc đời mình lên đầu người đàn ông. Với tư tưởng này, không ít cô gái trở nên bi lụy, lệ thuộc trong mối quan hệ với đối phương.
Chị Đậu Hoàng Giang cho rằng, sống thử, đàn ông được lợi thì phụ nữ cũng được lợi, phụ nữ mất thì đàn ông cũng mất... Em mất cho anh cả thanh xuân thì anh cũng mất cho em cả xuân xanh, chẳng kém gì.
Trong tình huống này, nếu đặt phụ nữ ở vị trí nạn nhân là đang xem nhẹ giá trị, sự chủ động và trách nhiệm của họ. Phụ nữ có quyền từ chối hoặc lựa chọn sống thử, phụ nữ có thể bình thản khi chia tay sau sống thử...
Nói sống thử không cần trách nhiệm nhưng thật ra cần nhiều trách nhiệm nhất, trách nhiệm trong việc lựa chọn, trách nhiệm vun vén và cả trách nhiệm trong những tình huống ngoài mong muốn, tôn trọng đối phương...
Theo chị Giang, tranh cãi sống thử tốt hay xấu, nên hay không thật ra không có ý nghĩa. Vấn đề ở chỗ người trong cuộc dù là nam hay nữ có hiểu đúng về sống thử, có đủ trách nhiệm, dám chơi dám chịu với chính lựa chọn và cuộc đời mình.
Các cô gái mang tâm thế mình luôn là nạn nhân, thiếu tự chủ từ trong suy nghĩ thì không những nên tránh xa sống thử mà hãy mạnh mẽ để từ chối cả quan hệ tình dục trước hôn nhân...
"Vì cách mình nhìn về bản thân, về các lựa chọn của mình sẽ quyết định cách nhìn của người khác về mình. Khi mình không tôn trọng chính mình thì rất khó để chồng tôn trọng mình", chị Giang trải lòng.