Cô gái làm việc đến tử vong, đám tang không đồng nghiệp nào đến viếng
(Dân trí) - Một nữ nhân viên văn phòng ở Ấn Độ đã làm việc kiệt sức rồi tử vong. Thế nhưng, đám tang của cô lại không có sếp hay đồng nghiệp nào đến dự.
Qua đời vì làm việc quá sức
"Con gái tôi đã qua đời vì làm việc quá sức. Con đã cống hiến hết mình cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Thế nhưng, chẳng có một ai ở công ty đến dự đám tang của con gái tôi", bà Anita Augusinte (quốc tịch Ấn Độ) viết trong lá thư gửi lãnh đạo của công ty EY India.
Bà Anita cho biết, con gái bà, Anna Sebastian Perayil, đã qua đời sau 4 tháng làm việc quá sức. Người phụ nữ bộc bạch bà rất đau lòng, quyết định viết lá thư này gửi đến lãnh đạo công ty, để những gia đình khác không phải trải qua nỗi đau mất người thân tương tự như trường hợp của bà.
Trong bức thư, bà Anita kể rằng Anna đã vượt qua kỳ thi kế toán công chứng vào ngày 23/11/2023 và gia nhập công ty EY India ngày 19/3/2024.
"EY India là một công ty có nhiều danh tiếng. Vì thế, khi được trở thành nhân viên của công ty này, Anna đã rất hạnh phúc và ấp ủ nhiều kỳ vọng cho tương lai. Đây là công việc đầu tiên của con. Nhưng không ngờ, điều này đã khiến con trả giá bằng cả cuộc đời của mình", bà Anita viết.
Người mẹ chia sẻ, Anna là một cô gái luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Cô từng đứng đầu ở trường cấp ba, đại học và còn thường xuyên chăm chỉ tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Ngày Anna gia nhập công ty, cô đã chứng kiến được cảnh nhiều nhân sự tại đây phải xin nghỉ việc vì khối lượng công việc quá nhiều. Vì thế, cô được yêu cầu phải làm gương để thay đổi nhận thức của các nhân viên khác.
"Anna đã làm việc không biết mệt mỏi tại công ty, luôn cống hiến hết mình để đáp ứng những gì được giao. Dần dà, khối lượng công việc, môi trường làm việc mới và thời gian làm việc dài đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và cảm xúc của Anna.
Con bắt đầu cảm thấy lo lắng, mất ngủ và căng thẳng kéo dài. Thế nhưng, Anna không bỏ cuộc mà lúc nào cũng thúc ép bản thân tiếp tục nỗ lực. Bởi con cho rằng làm việc chăm chỉ và kiên trì là chìa khóa dẫn đến thành công", bà Anita cho hay.
Lắm lúc, Anna bị giao làm những việc không liên quan đến chuyên môn. Dù bà Antina đã khuyên nhủ nhưng cô gái vẫn làm vì muốn thể hiện sự cống hiến.
Anna làm việc từ sáng đến tối muộn, không nghỉ bất cứ ngày nào trong tuần. Lắm lúc, trợ lý của cấp trên còn gọi cho cô vào nửa đêm để giao việc và yêu cầu cô hoàn thành vào sáng hôm sau. Vì thế, Anna hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi.
Nhân viên cần được lắng nghe
Anna thường trở về phòng trong tình trạng kiệt sức, ngã gục trên giường đến mức không có thời gian thay quần áo, bởi cô phải trả lời tin nhắn của sếp, nhanh chóng xử lý nốt công việc cho kịp thời hạn được giao.
Khi cô ấy lên tiếng về vấn đề này, người quản lý đã trả lời rằng: "Ai cũng phải làm việc như vậy".
"Vì mới bắt đầu sự nghiệp nên Anna không có kinh nghiệm vạch ra ranh giới và phản kháng lại những yêu cầu vô lý trong công việc. Tôi ước mình có thể bảo vệ con, nói với con rằng sức khỏe và hạnh phúc của con là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Nhưng mọi thứ đã quá muộn", bà Anita đau xót.
Trong lá thư gửi lãnh đạo EY India, người mẹ đề nghị công ty cần xem lại văn hóa làm việc "tôn vinh cách làm việc quá sức" và ngưng bỏ lại phía sau những nhân viên đã cống hiến hết mình cho tổ chức. Công ty cần tạo môi trường làm việc an toàn, ưu tiên sức khỏe, hạnh phúc của nhân viên và đảm bảo ai cũng có quyền lên tiếng về vấn đề mà mình đang gặp phải.
Sau bức thư của bà Anita, công ty EY India phản hồi rằng: "Chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi đột ngột của Anna Sebastian và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia quyến của người đã khuất. Đây là một mất mát không thể bù đắp được đối với tất cả chúng tôi.
Chúng tôi đang xem xét thư của gia đình Anna trong sự nghiêm túc và khiêm tốn hết mức. Công ty sẽ tiếp tục tìm cách cải thiện và cung cấp một nơi làm việc lành mạnh cho các nhân viên trong thời gian sắp tới".