Chuyện về đại tá bán nhà lấy tiền làm từ thiện
(Dân trí) - Không chỉ bán nhà để giúp đỡ các em học sinh, đại tá Lâm Quang Minh (sinh 1922, trú phường Thanh Bình, TP Đà Nẵng) còn trích tiền lương hưu hàng tháng duy trì công tác từ thiện nhiều năm qua.
Ông Bụt giữa đời thường
Ông Lâm Quang Minh sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học ở Làng Cẩm Toại, Tổng An Phước (nay là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Mồ côi mẹ từ nhỏ, ông may mắn được bà con, làng xóm giúp đỡ học hành, thành đạt.
Tháng 8/1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Thừa Thiên-Huế, rồi xung phong vào giải phóng quân, trực tiếp ở đơn vị chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Cuộc đời quân ngũ ròng rã 35 năm, dù ở cương vị nào ông cũng luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1980, ông về hưu, tiếp tục tham gia các công tác địa phương, từ công tác mặt trận đến HĐND phường, HĐND thành phố.
Thông cảm với những khó khăn vất vả của các cháu học sinh nghèo hiếu học, ông tiết kiệm tiền lương và vận động các nhà hảo tâm đóng góp để trợ cấp học bổng cho các cháu.
Năm 2015, sau khi vợ mất, ông bàn với các con bán căn nhà ông đang sinh sống để lấy tiền làm từ thiện. Sau khi bán nhà, ông về ở với con gái và người mua nhà cũng chính là con gái ông.
Với số tiền bán nhà 2 tỷ đồng, ông Minh trích 1 tỷ đồng làm công tác khuyến học, trong đó chủ yếu ủng hộ quỹ khuyến học của tộc họ Lâm, Quỹ khuyến học xã, huyện quê hương ông, Quỹ khuyến học thành phố. Mỗi nơi ông ủng hộ từ 50 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông Minh còn giúp đỡ con em cựu chiến binh học đến đại học.
Sau khi 1 tỷ đồng đã hết, ông tiếp tục tiết kiệm tiền lương hưu để giúp đỡ các cháu học sinh và vẫn duy trì công tác từ thiện đến nay.
"Từ nhỏ tôi đã được bà con, cô bác, hàng xóm thậm chí là những người không quen biết giúp đỡ để được học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, bây giờ tôi giúp đỡ các cháu học sinh là để "trả nợ" cuộc đời", đại tá Lâm Quang Minh chia sẻ và cho biết, khi ông bàn với việc bán nhà với con cái, các con ông bảo: "Ba cứ làm nếu ba thấy vui, hạnh phúc là được".
Ông Minh còn viết di chúc dặn dò con cháu: Khi ông mất, gia đình không tổ chức tang lễ linh đình làm gì cho lãng phí. Thay vào đó, hãy để dành tiền tặng các quỹ nhân đạo, hội từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn.
Học theo tấm gương Bác Hồ
Gần 100 tuổi nhưng đại tá Lâm Quang Minh vẫn còn minh mẫn. Trong cuộc đời mình, ông Minh may mắn và vinh dự là được 8 lần gặp Bác Hồ. Với ông, lần nào gặp Bác cũng là kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng lần gặp thứ 5 để lại trong ông dấu ấn sâu sắc nhất.
Ông kể, vào năm 1952, khi ông được trên chỉ định làm Trưởng đoàn cán bộ trung sơ cấp gồm 14 người ra Việt Bắc để học tập chính trị và bổ túc quân sự. Đoàn được Bác bất ngờ đến thăm. Bác có lời khen và động viên đồng bào chiến sĩ Liên khu 5, chúc bà con đánh giặc giỏi để mau chóng thống nhất nước nhà, Bắc Nam sum họp.
"Tôi thay mặt anh em trong đoàn cảm ơn Bác, chúc Bác luôn mạnh khỏe để có ngày đón Bác vào Nam. Đó cũng là mong ước của Bác nên Bác cảm động rưng rưng nước mắt. Anh em chúng tôi vô cùng xúc động, thầm rứa với Bác sẽ cùng đồng bào đánh giặc giỏi để ước nguyện của Bác trở thành hiện thực. Thế nhưng, ước nguyện ấy đã không trở thành hiện thực. Bác đã ra đi về cõi vĩnh hằng để lại muôn vàn tiếc thương cho đồng bào cả nước", ông Minh xúc động nhớ lại.
Lần thứ 6, Bác đến thăm trường Trung học Chu Văn An (Hà Nội) và vợ chồng ông Minh cũng may mắn có mặt.
Lần thứ 7, Bác về thăm quê hương Nam Đàn (Nghệ An) và đến thăm Sư đoàn 324 (gồm cán bộ chiến sĩ các đơn vị miền Nam tập kết ra Bắc). Bác động viên mọi người yên tâm học tập và rèn luyện, góp phần xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc, tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước,
"Lần cuối cùng là lần đau buồn tiễn đưa Bác đi xa để lại muôn vàn tiếc thương cho đồng bào cả nước. Trong đêm tối, trời mưa nhỏ, chúng tôi lần từng bước giữa dòng người kéo dài vô tận vào viếng Bác", ông Minh rưng rưng kể.
Ông Minh luôn ý thức phải học tập và theo tấm gương của Bác, chú tâm giúp đỡ các cháu học sinh nghèo vượt khó, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương.
Ông Trần Đình Liễn, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng nhận xét: đại tá Lâm Quang Minh là một người tuyệt vời, rất có tâm với công tác khuyến học.
"Hồi bán nhà, ông Minh đã dùng nửa số tiền làm từ thiện, trong đó có đóng góp cho Hội Khuyến học thành phố 50 triệu đồng. Mấy năm gần đây, ông Minh dùng tiền lương hưu của mình hỗ trợ cho Hội khuyến học giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó. Tấm lòng của ông Minh rất đáng trân trọng", ông Liễn nói.