1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Chuyện thoát nghèo ở huyện miền núi Thanh Hóa

Bình Minh

(Dân trí) - Nhờ vay vốn ngân hàng chính sách, thực hiện các mô hình giảm nghèo, nhiều hộ gia đình ở huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Mạnh dạn vay vốn thoát nghèo

Là một trong những hộ cận nghèo của xã Tân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), kinh tế của gia đình anh Lương Văn Thuận chủ yếu phụ thuộc vào đồi, rừng, nhưng hiệu quả không cao.

Chuyện thoát nghèo ở huyện miền núi Thanh Hóa - 1

Gia đình anh Thuận nhờ vay vốn nuôi cá lồng đã vươn lên thoát nghèo.

Năm 2019, anh Thuận cùng với 3 gia đình đều là hộ nghèo và cận nghèo mạnh dạn chung vốn để nuôi cá lồng tại hồ Trại Cáo.

Theo ông Phùng Bá Hồng, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Xuân, toàn huyện hiện có 1.494 nghèo vay vốn, dư nợ hơn 55 tỷ đồng; 1.526 hộ cận nghèo vay, dư nợ hơn 72 tỷ đồng. Nhờ vay vốn Ngân hàng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế, nhiều hộ đã thoát được nghèo. Thống kê từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã có 1.959 đã thoát nghèo nhờ vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội.

Được ngân hàng chính sách cho vay mỗi hộ 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm các gia đình đã có vốn để đầu tư lồng, bè và cá giống.

Theo anh Thuận, mỗi năm các gia đình thu hoạch được 2 mùa cá mang lại nguồn thu hơn nửa tỷ đồng. Hiện anh Thuận cũng như 3 gia đình cùng tham gia nuôi cá không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Anh Thuận kiến sẽ mở rộng quy mô hơn nữa, kêu gọi thêm các hộ cùng tham gia để thoát nghèo.

Chuyện thoát nghèo ở huyện miền núi Thanh Hóa - 2

Mô hình nuôi cá lồng đã cho 4 hộ thu nhập hơn nửa tỷ đồng một năm.

Từng là hộ nghèo của xã Bình Lương, huyện Như Xuân, gia đình bà Phạm Thị Bình (thôn làng Gió) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm, mộc nhĩ để có thêm thu nhập ngoài nghề chính là nông nghiệp.

Năm 2019, mô hình sản xuất nấm, mộc nhĩ của gia đình bà Bình bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, mỗi năm mô hình cho thu lãi từ 50 đến 60 triệu đồng; không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn tạo việc làm thời vụ cho 7 đến 10 lao động tại địa phương.

Gia đình chị Lê Thị Sự ở thôn Quang Trung, từng là hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2015-2018. Tháng 11/2017 được tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, được hỗ trợ 10 triệu đồng, cùng với nguồn vốn đối ứng, chị Sự mua một con bò cái sinh sản để chăn nuôi.

Từ một con bò dự án, đến nay gia đình chị đã nhân đàn lên 6 con, kết hợp chăn nuôi lợn, trồng 3,2 ha keo; gần 2.500m2 mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm. Gia đình chị Sự được đánh giá là điển hình để các hộ nghèo trong xã học tập.

Chuyện thoát nghèo ở huyện miền núi Thanh Hóa - 3

Mô hình làm nấm, mục nhĩ của gia đình bà Bình giúp nhiều lao động địa phương có việc làm thời vụ.

Được biết, dự án chăn nuôi bò sinh sản ở xã Bình Lương có 25 hộ tham gia. Từ 25 con bò dự án, đến nay đã nhân đàn lên hơn 70 con, trong đó bò sinh sản là 40 con. Dự án cũng đã thu hồi vốn và tiếp tục hỗ trợ 2 hộ nghèo khác 2 con bò.

Gắn trách nhiệm giảm nghèo cho từng cán bộ 

Xã Bình Lương là một trong những xã khó khăn của huyện miền núi Như Xuân, nếu như năm 2016, toàn xã có 35,2% hộ nghèo thì năm 2021 chỉ còn 3,5 % hộ nghèo.

Theo ông Lê Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Lương, trên cơ sở xác định rõ những lợi thế, xã Bình Lương khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 46 triệu đồng/năm.

Chuyện thoát nghèo ở huyện miền núi Thanh Hóa - 4

Nhiều mô hình giảm nghèo được cán bộ xuống tận nơi để hướng dẫn bà con.

Theo ông Lê Văn Thuận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Như Xuân, những năm gần đây, nhiều hộ trong huyện không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu nhờ được vay vốn từ ngân hàng chính sách để làm mô hình giảm nghèo.

"Giai đoạn 2016-2021, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện đã đạt được những kết quả toàn diện. Năm 2018, Như Xuân là huyện 30a đầu tiên của tỉnh được công nhận ra khỏi huyện nghèo, hoàn thành mục tiêu đại hội trước 3 năm.

Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, Thường vụ Huyện ủy đã phân công các đồng chí cấp ủy thành lập các tổ để hỗ trợ phát triển sản xuất ở từng thôn, bản. Ủy viên Thường vụ làm tổ trưởng, hàng tuần phải xuống làm việc với bà con, hỗ trợ, hướng dẫn bà con lao động sản xuất. Từ đó, tạo được phong trào, thay đổi nhận thức của bà con. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3%", ông Thuận thông tin.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần vào thành tựu chung trong công tác giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm được 118.887 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 10.006 hộ), từ 13,51% xuống 1,01%.

Trong đó, khu vực 11 huyện miền núi giảm 51.916 hộ, bình quân giảm 4,66%/năm; khu vực các huyện đồng bằng ven biển giảm 61.349 hộ, bình quân giảm 2,06%; khu vực thành phố, thị xã giảm 5.622 hộ, bình quân giảm 0,85%/năm.