Thanh Hóa:
Chuyện thoát nghèo nhờ cây mía ở huyện miền núi Thạch Thành
(Dân trí) - Những năm qua, nhờ cây mía, hàng nghìn hộ dân ở huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở miền núi trong những năm qua đã để lại những dấu ấn quan trọng. Thành tích ấy không chỉ nhờ vào sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách thiết thực mà còn có sự cố gắng nỗ lực, vươn lên thoát nghèo của mỗi hộ đồng bào các dân tộc vùng cao xứ Thanh.
Đến với mảnh "đất ngọt" Thạch Thành những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận những đổi thay đang hiện hữu trên mỗi vùng quê nơi đây. Từ trung tâm huyện ngược lên các xã Thành Trực, Thành Vinh, Thành Yên... là những quả đồi bát úp với màu xanh ngút ngàn của cây mía đang trong thời kỳ thu hoạch.
Nép mình dưới màu xanh tưởng chừng như "vô tận" ấy là những mái ngói đỏ tươi tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu... khung cảnh yên bình, trù phú như minh chứng cho một vùng quê nghèo đang bừng lên sức sống mới.
Nông dân thu trăm triệu từ mía tiến vua
Ghé thăm xã Thành Trực, nơi được mệnh danh là "thủ phủ" mía tiến vua. Nơi đây đã bắt đầu trồng mía tím (mía Tiến vua) từ những năm 1980. Tuy nhiên, cho đến năm 2010 cây mía bắt đầu được đầu tư là cây chủ lực, đến nay toàn xã có 150 ha.
Theo ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Thành Trực, hiện có 3 xã trồng mía tím gồm Xuân Thành, Thủ Chính và Chính Thành. Do có lợi thế là đất đỏ ba zan làm cho cây mía có vị ngọt đặc biệt, có thương hiệu.
"Cây mía tím được người xưa làm sản vật tiến vua, bởi mía thơm, ngọt lại mềm nên được thị trường ưa chuộng. Theo tính toán, mỗi ha mía tím cho năng suất khoảng 84 tấn/ ha, cho thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng.
Khi vào chính vụ, nhiều thương lái từ các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và TP Thanh Hóa... đổ về thu mua, cung không đủ cầu. Nhận thấy lợi thế này, chi bộ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó cây mía tím được xác định là cây chủ lực. Năm 2019, thương hiệu mía xã Thành Trực đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh" - ông Long nói.
Nhờ việc chuyển đổi hơn cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím mà bộ mặt nông thôn nơi đây đã thay đổi nhanh chóng, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững và từng bước "đổi đời" trên mảnh đất quê hương.
Nếu như năm 2015, có 94 hộ nghèo, chiếm 6,79% thì đến năm 2019 chỉ còn 39 hộ, chiếm 2,67% và đến năm 2020 chỉ còn 28 hộ chiếm 1,88%. Điển hình như các hộ Nguyễn Thị Mây, Bùi Văn Điển, Bùi Văn Thành... sau khi có thu nhập ổn định từ cây mía, năm 2017 đã làm đơn xin thoát nghèo. Cũng nhờ góp phần từ cây mía, Thành Trực đã thực hiện về đích nông thôn mới vào năm 2017.
Khoảng 1.000 hộ thoát nghèo nhờ cây mía
Xã Thành Vinh có 1.447 hộ thì có tới 1.200 hộ trồng mía đường. Đây là một trong những xã thực hiện hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất mía nguyên liệu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở các khâu thâm canh, thu hoạch để giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng.
Được triển khai với diện tích 370 ha, trên địa bàn 8 thôn, được xem là mô hình điểm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững của huyện Thạch Thành. Khi bắt tay vào triển khai năm 2015, những người trồng mía ở xã Thành Vinh chủ yếu là hộ nghèo (khoảng 26%).
Thế nhưng, sau khi thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, có những năm năng suất lên đến 120 tấn/ha.
Trung bình, năng suất mía đạt khoảng 80- 100 tấn/ha, trừ hết chi phí, người nông dân cũng thu được 25-27 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo của xã Thành Vinh đến nay chỉ còn 3,8 % (55 hộ nghèo).
Ông Trịnh Ngọc Khắc, Giám đốc HTX Dịch Vụ nông nghiệp Thành Vinh cho biết: "Trước đây xã Thành Vinh có chuyển đổi một số cây công nghiệp như trồng cây dâu, cây đay nhưng hiệu quả không cao. Từ năm 1996, người dân bắt đầu chuyển sang trồng mía. Tỉnh cho đầu tư nhà máy đường Việt Nam - Đài Loan làm đầu ra. Ban đầu chỉ trồng 20 ha, sang năm 1997 nhân lên 100 ha, đến nay 370/ 500 ha đất nông nghiệp toàn xã.
Từ năm 2015, đến nay, cây mía là cây chủ đạo, giá cả ổn định, cho thu nhập cao. Có thời điểm, người dân thu nhập hơn 1 triệu/tấn mía sạch. Tuy nhiên, hai năm nay do ảnh hưởng nhiều yếu tố, giá thành mới hơi thấp một chút 780.000/tấn mía sạch".
Cũng theo ông Khắc, nhờ cây mía, nhiều bà con không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Có khoảng 1000 hộ thoát nghèo nhờ cây mía, đến nay trong số 55 hộ nghèo cũng chỉ là những gia đình neo đơn, ông bà già.
"Điển hình ở xã Thành Vinh có gia đình ông Nguyễn Văn Lai (thôn Thống Nhất) trước đây là hộ nghèo, nhờ trồng mía, năm 2017 thoát nghèo. Đến nay, kinh tế khá giả, ổn định, xây nhà, mua sắm được máy móc đầu tư sản xuất, đầu tư hệ thống bơm nước khoảng 40 triệu, xe vận chuyển…" - ông Khắc nói.
Giám, đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Vinh cũng tự tin: "Chúng tôi đang đề ra cho năm 2021, tích tụ khoảng 70-80 ha, đưa toàn bộ cơ giới hóa vào. Trước đây đã đưa cơ giới hóa nhưng chỉ được một phần".
Năm 2015, các xã Thành Vinh, Thành Trực, Thạch Cẩm, Thạch Sơn được huyện Thạch Thành lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mía mẫu lớn, với tổng diện tích trên 543,8 ha. Đến nay, toàn huyện thực hiện sản xuất mía nguyên liệu cánh đồng lớn thâm canh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trên 820 ha, năng suất đạt 110 tấn/ ha, đưa năng suất mía nguyên liệu bình quân toàn huyện lên 68 tấn/ha, tăng 8 tấn/ha so với năm 2015.
Cùng với việc thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh từ 18,4% cuối năm 2015, năm 2019, giảm còn 7,38%. Đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,01%, tương ứng 366 hộ nghèo, bình quân giảm 3,48%.
Cùng với nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, huyện Thạch Thành đã dành nguồn kinh phí trong 5 năm hỗ trợ trên 20 tỷ đồng cho các hộ nghèo phát triển sản xuất. Đã có trên 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng lợi từ các dự án, chính sách.