Chuyện ở nhà giàn và tình người giữa biển khơi
DKI/12 (Tư Chính) là một trong những nhà giàn thuộc Tiểu đoàn DKI, Lữ đoàn 171, Vùng 2 Quân chủng Hải quân. Có lên nhà giàn, mới hiểu hết nỗ lực vượt khó của người lính để canh giữ biển trời tổ quốc.
Nhìn từ xa, có vẻ chông chênh nhưng lại gần, tận mắt thấy những chân đế, cột thép sơn màu vàng cắm sâu xuống lòng biển, nhà giàn nổi bật giữa biển và trời xanh, lừng lững như cột mốc khổng lồ, với dòng chữ đầy xúc động, tự hào: "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật Tư Chính".
Bản lĩnh ở nơi hiểm nguy luôn trực chờ
Ký hiệu DK chỉ các nhà giàn được xây dựng như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Số I chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất.
Điều đặc biệt là, khu vực biển DKI nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và tuyến đường hàng hải chính qua Biển Đông, là khu vực biển có nguồn hải sản phong phú, trữ lượng lớn, nhiều loài quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Đây cũng là nơi có nhiều dầu mỏ và khí tự nhiên trữ lượng lớn. Do vậy, vùng biển DKI có vai trò vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu, hải văn ở đây diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn với hoạt động tuần tra, kiểm soát, đóng quân chốt giữ bảo vệ chủ quyền của lực lượng Hải quân.
Nhà giàn DKI/12 mà chúng tôi lên thăm thuộc bãi ngầm Tư Chính, ở cạnh đường hàng hải quốc tế (cách Vũng Tàu 299 hải lý), là khu vực biển cực kì nhạy cảm, các thế lực bên ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến vào thăm dò địa chấn, trinh sát, vi phạm quyền chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép..., khiến công tác bảo vệ nhà giàn ở đây luôn căng thẳng, đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc tổ chức lực lượng thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển và quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Thiếu tá Phan Chí Trà, Chỉ huy trưởng nhà giàn cho biết, được thành lập ngày 8/8/1994, trải qua 29 năm xây dựng, chiến đấu, nhà giàn DKI/12 luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân; cấp ủy, chỉ huy Lữ đoàn 171, Tiểu đoàn DKI. CBCS nhà giàn luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, duy trì nghiêm chế độ ứng trực sẵn sàng chiến đấu, không để sót lọt mục tiêu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Qua thăm hội trường, các phòng sinh hoạt của CBCS, vườn rau bộ đội, bãi đỗ trực thăng, những vị trí ứng trực..., nhiều thành viên trong đoàn trào dâng niềm cảm phục về những người lính thực hiện nhiệm vụ chốt giữ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa nơi tuyến đầu.
Trung tá Cao Đức Cảnh, Chính trị viên nhà giàn DKI/12, từng có 4 năm thực hiện nhiệm vụ ở nhà giàn cho biết, nhà giàn là môi trường đặc biệt nên CBCS công tác ở đây yêu cầu cao hơn về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, niềm tin về lý tưởng mình đang cống hiến; kỹ năng sử dụng các vũ khí, trang bị bảo đảm tác chiến bảo vệ nhà giàn. So với đảo, đặc thù nhà giàn không gian hẹp hơn, môi trường nước mặn, rủi ro nhiều hơn. Quá trình thực hiện nhiệm vụ thường xuyên đã rủi ro rồi, chưa kể điều kiện sóng to, mưa bão, hay có mục tiêu, các anh phải thức cả đêm quan sát, theo dõi, xử lý tình huống có thể xảy ra để bảo vệ nhà giàn...
Một trong những khó khăn đối với nhà giàn là nước ngọt và rau xanh. Với nước ngọt, Quân chủng Hải quân và Tiểu đoàn DKI cơ bản đáp ứng được nhu cầu mang tính chất tiết kiệm, cung cấp cho nhà giàn theo định mức, thời gian quy định; CBCS đủ nước để sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ. Còn rau xanh, đơn vị phải tự túc kinh phí và được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp để mua đất, khay, phân bón, hạt giống... từ đất liền chuyển ra.
"Chúng tôi phát huy nội lực để đảm bảo nhu cầu, duy trì 5-6 loại rau theo "mùa nào thức ấy", chẳng hạn hiện nay là rau cải, mùng tơi, bầu đất, rau muống, hệ thống nhóm rau thơm...", Trung tá Cao Đức Cảnh cho hay. Nhà giàn cũng chủ động mua giống heo, vịt, gà... để chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, môi trường nước mặn, độ ẩm cao, mùa mưa giông, gió lốc ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm. Việc chăn nuôi, trồng trọt cũng phải di chuyển địa điểm theo mùa để tránh gió, tránh nắng...
Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển
Khi đoàn chúng tôi đến, nhà giàn DKI/12 nằm lặng lẽ giữa biển khơi trông thật yên bình. Song thực tế, đơn vị thường xuyên thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen với CBCS luân phiên thay quân, cường độ huấn luyện căng thẳng bởi tuyến đường hàng hải này luôn nhiều mục tiêu qua lại.
"Chúng tôi huấn luyện thường xuyên để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nắm chắc tình hình trên không, trên biển, kịp thời kiểm soát, báo cáo đúng, đủ về sở chỉ huy các cấp; xây dựng nề nếp chính quy, sẵn sàng tham gia nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn theo mệnh lệnh của cấp trên; hiệp đồng với các nhà giàn, tàu trực quản lý chặt chẽ vùng biển...", Thiếu tá Phan Chí Trà thông tin thêm.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà giàn DKI nói chung và DKI/12 nói riêng là giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển. Các anh sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân trong thực hiện Luật Biển quốc tế và Luật Biển Việt Nam; tuyên truyền vận động để ngư dân nắm chắc quy định về khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển không vi phạm pháp luật. Sẵn sàng hỗ trợ, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho ngư dân, nhất là ngư dân trong quá trình đánh bắt xa bờ bị tai nạn, sự cố, bị thương, gãy tay, chân... "Khi các tàu cá phát tín hiệu, chúng tôi sẽ phối hợp giúp đỡ họ lên nhà giàn nghỉ ngơi, tổ chức sơ cứu, khám điều trị bởi những y sỹ được đào tạo đủ để thực hiện nhiệm vụ độc lập trên các nhà giàn", Chỉ huy trưởng nhà giàn cho biết.
Tháng 10/2022, nhà giàn DKI/12 đã kịp thời cấp cứu, điều trị cho ngư dân Vũ Ngọc Cương, 30 tuổi ở Phan Rang, Ninh Thuận bị thương ở trán do măng quay chân vịt chém vào trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển. Ngư dân được sơ cứu, khâu 6 mũi để cầm máu và cấp phát thuốc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tại nhà giàn cho đến khi bình phục. Trước đó, tháng 4/2022, y sỹ nhà giàn đã sơ cứu, tiêm thuốc tê và lấy lưỡi câu móc ra khỏi tay trái ngư dân Nguyễn Văn Hiệp. Nhiều lần nhà giàn cung cấp hàng nghìn lít nước ngọt cho ngư dân, hay cấp phát thuốc cảm cúm, đau dạ dày... hỗ trợ ngư dân đảm bảo sức khỏe, yên tâm vươn khơi bám biển, đánh bắt xa bờ. Giữa đại dương xa xôi, nhà giàn trở thành ngôi nhà yêu thương, cầu nối đưa ngư dân - bộ đội xích lại gần nhau.
Tham gia đoàn công tác có đội văn nghệ xung kích Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Họ đã đưa nhạc cụ lên nhà giàn, biểu diễn những tiết mục văn nghệ sôi nổi và giao lưu cùng bộ đội. Những ca khúc về người lính trẻ trung, âm hưởng vui tươi nhận được sự đồng cảm của nhiều CBCS ở sảnh nhà giàn. Thế nhưng, ở khu vực cao nhất của nhà giàn, nơi bãi đáp trực thăng, nắng gay gắt, không bóng cây ngọn cỏ, có một chiến sỹ vẫn đang nghiêm túc đứng gác, không được nghe văn công hát. Đó là Trung úy Nguyễn Văn Bình, quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Hơn 30 tuổi nhưng Bình chững chạc hơn nhiều, có lẽ cũng bởi làn da đen sạm vì nắng gió lẫn mặn mòi nơi biển cả...
Cũng phải nói thêm, nhà giàn là vị trí đặc thù mà không phải đoàn công tác nào cũng có thể lên thăm được. Nhiều đoàn đến nhưng do thời tiết khắc nghiệt, biển động nên xuồng không thể cập nhà giàn, tàu đành neo chào từ xa; hoặc có đoàn gửi lời chào CBCS, "hát cho nhau nghe" qua bộ đàm... May mắn được lên nhà giàn và hiểu thiệt thòi của CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ khi đoàn tới thăm, ca sỹ Tố Hoa đã lên nóc nhà giàn, biểu diễn tiết mục ngẫu hứng không có trong chương trình, giữa mênh mông sóng nước và cái nắng hơn 40 độ.
"Rất xúc động, đây là ca gác tôi sẽ nhớ mãi, hết đời binh nghiệp cũng không quên được. 7 năm ở biển, đảo đã thực hiện nhiều ca gác, nhưng lần đầu tiên tôi được nữ văn công đồng hương hát riêng cho nghe", Trung úy Bình nói, mồ hôi lăn tròn trên gương mặt, ướt đẫm quân phục. Về phần Tố Hoa, cô vừa hát, vừa vui mà nước mắt nhạt nhòa, ai nấy chứng kiến đều không kìm được cảm xúc. Tình người giữa biển khơi, đôi khi chỉ đơn giản vậy thôi...