Chuyên gia tâm lý cảnh báo chuyện "kéo đến cho tiền" nữ sinh trộm váy

Phương Thảo

(Dân trí) - Nhiều người kéo đến nhà động viên, kêu gọi ủng hộ tiền cho gia đình nữ sinh trộm chân váy bị chủ shop quần áo đánh, hạ nhục đang gây ra nhiều tranh cãi…

Những ngày qua, sự việc em V.T.T.M (sinh 2004), học sinh trung học ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) lấy trộm chân váy trị giá 160.000 đồng tại cửa hàng quần áo nhưng bị phát hiện, hành hung và cưỡng đoạt tài sản làm sục sôi dư luận. Biết hoàn cảnh éo le của gia đình em, nhiều người đã đến nhà thăm hỏi, động viên, thậm chí kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ từ cộng đồng. Diễn biến này của sự việc một lần nữa gây tranh luận trong cộng đồng mạng. 

Chuyên gia tâm lý cảnh báo chuyện kéo đến cho tiền nữ sinh trộm váy - 1
Huấn "Hoa Hồng" đến thăm hỏi, trao tiền cho mẹ nữ sinh H.M và đăng trên Facebook (Ảnh chụp màn hình).

Chiều 5/12 vừa qua, Huấn "Hoa Hồng" - một YouTuber có tiếng trong giới trẻ đến nhà nữ sinh này động viên, ủng hộ 40 triệu đồng. Huấn "Hoa Hồng" không quên livestream trên mạng xã hội cả quá trình, từ lúc thăm hỏi mẹ nữ sinh H.M cho tới lúc kéo lên tận phòng em này đang nằm nghỉ để động viên. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về mục đích của hoạt động này, vì sự cảm thông, chia sẻ hay còn có cả yếu tố lợi dụng sự kiện để câu like, câu view? Việc kéo đến nhà nữ sinh cho tiền có phải… hơi quá? 

Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia tâm lý Hồng Hương - Thường trực Thư viện lưu trú thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về diễn biến này của sự việc. Theo bà Hồng Hương, việc mọi người giúp được phần nào cho gia đình nữ sinh này là đáng quý, thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh, những người khó khăn trong xã hội.

"Tuy nhiên, xét trên góc độ bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong trường hợp của em H.M thì phải có sự định hướng rất rõ ràng, không được làm như vậy", bà Hương nói và cho rằng trong chuyện nhạy cảm như này cần phải giữ kín thông tin về thân nhân của bé gái.

Chuyên gia tâm lý cảnh báo chuyện kéo đến cho tiền nữ sinh trộm váy - 2
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương

"Đúng có thể thành sai nhưng sai không thể thành đúng"

Ngoài ra, chuyên gia tâm lý phân tích, cần lên án hành vi bạo hành trẻ em dã man nhưng rõ ràng nữ sinh H.M đã có hành vi sai ngay từ đầu. Theo bà Hương, cần phải làm rõ việc nữ sinh lấy trộm chiếc váy là hành động bồng bột nhất thời kiểu "phút tội nghiệp của trẻ nghèo" hay xuất phát từ tâm lý ăn chơi đua đòi. Khi chưa tìm hiểu rõ về bé gái này mà mọi người kéo đến hỏi thăm, ủng hộ tiền bạc thì có thể khiến sự việc chuyển thành hướng khác. Đứa trẻ từ suy nghĩ mình là người có lỗi lại chỉ nghĩ bản thân là nạn nhân.

"Lúc đầu bạn ấy sợ nên gặp công an, tức là đang nhận thức được hành vi sai trái của mình. Nhưng khi tất cả mọi người ồ ạt kéo đến nhà thăm hỏi, ủng hộ tiền bạc rồi còn đăng lên mạng xã hội như thế này, đứa trẻ có thể sẽ không phát triển được suy nghĩ đúng đắn khi nhận thấy đây là một cơ hội để có thêm cái nọ cái kia. Trường hợp này ít xảy ra nhưng không có nghĩa là không xảy ra", bà Hương phân tích.

Nhìn nhận sâu hơn, hiện tượng mọi người ồ ạt đến giúp đỡ rồi đăng tải trên mạng xã hội mang theo một nguy cơ về vấn đề giáo dục trẻ em nói chung. Nhiều trẻ em khác vẫn còn đang trong độ tuổi non nớt, bồng bột sẽ không nhìn ra vấn đề sai trái của hành vi trộm cắp vặt mà khi thấy sự việc bé H.M được mọi người giúp đỡ có thể học theo, dẫn đến suy nghĩ lệch lạc cho rằng đây là một cơ hội để có tiền, đặc biệt với những bạn ăn chơi, đua đòi. Chuyên gia Hồng Hương cảnh báo: "Đây là vấn đề thực sự quan ngại, không tốt bởi như thế có thể sẽ vô tình thành một vết dầu loang "làm hại" các em về sau".

Bà Hương liên hệ tới câu chuyện cậu bé Hào Anh ở đầm tôm tại Cà Mau năm xưa. Đầu tiên, mọi người đều thương xót cậu bé khi câu chuyện Hào Anh bị bóc lột sức lao động, bị chủ đầm tôm bạo hành. Chuyên gia tâm lý chỉ rõ, thương xót một đứa trẻ bị bạo hành là đúng nhưng việc quá nhiều mạnh thường quân kéo đến quyên góp, cho tiền đã ảnh hưởng tới giáo dục lối sống của cậu bé nên sau này Hào Anh có những hành động hỗn hào khiến nhiều người thất vọng.

"Trong sự việc nữ sinh ở Thanh Hóa lần này, tôi mong là hành động của cô bé chỉ là sự bồng bột nhất thời nhưng nếu bạn ấy là người có tính cách "lanh", sắc sảo kiểu trẻ con mà gia đình không nhìn nhận mọi việc một cách đúng đắn thì biết đâu đấy lại đẩy con đi theo một hướng khác", chuyên gia Hồng Hương bày tỏ.

Theo bà Hương, mẹ cô bé cần trò chuyện với con nhiều hơn, đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý để chữa lành tổn thương tâm lý; đồng thời tìm hiểu xem việc trộm váy là hành động bồng bột nhất thời hay xuất phát từ tâm lý ăn chơi đua đòi, hoặc đó là biểu hiện của chứng "cưỡng bức tâm lý" - một dạng bệnh lý trong tâm lý, hành động không có động cơ?

Trả lời câu hỏi làm thế nào để bé gái sau vụ việc này không tái phạm hành vi sai quấy, bà Hương cho rằng, việc này phụ thuộc rất nhiều vào việc giáo dục của gia đình, tránh đi vào "vết xe đổ" của Hào Anh. Nữ chuyên gia tâm lý nhấn mạnh nguyên tắc "đúng có thể thành sai nhưng sai không thể thành đúng", phải để nữ sinh thấy rõ cái sai của mình.

Trường hợp của em gái H.M là một tiếng chuông cảnh báo về vấn đề giáo dục ngoài nhà trường. Trong công tác giáo dục và bảo vệ trẻ em, gia đình đừng chỉ chăm chăm nhìn vào việc thành tích học tập trên lớp mà cần chú ý giáo dục về vấn đề lối sống. "Chuyện trẻ em có những mong muốn được sở hữu những vật chất là một tâm lý bình thường và đó là cơ hội để chúng ta dạy trẻ về giá trị của lao động, và quản lý, sử dụng tài chính cá nhân cho các em", chuyên gia Hồng Hương nói.