Chuyên gia hiến kế tăng giá trị sản phẩm, thu hút đầu tư từ lương thực

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Việc giảm phát thải sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm, thu hút các nhà đầu tư, đảm bảo vị thế cạnh tranh, tăng thuận lợi trong xuất khẩu lương thực thực phẩm.

Chuyên gia hiến kế tăng giá trị sản phẩm, thu hút đầu tư từ lương thực - 1

Thu mua lúa gạo trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu tại An Giang (Ảnh: Công Mạo).

Chú trọng chuỗi quá trình đi từ trang trại tới bàn ăn

Chiều 23/8, tọa đàm "Thực trạng và chiến lược phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu" được tổ chức tại TPHCM.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phan Tại Huân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết, hiện nay toàn cầu đang biến đổi khí hậu, các quốc gia cam kết giảm thiểu khí CO2 và các khí ảnh hưởng đến nền sản xuất lương thực các nước.

Trong đó, Việt Nam là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Việc cung cấp lương thực thực phẩm đến từ Đồng bằng sông Cửu Long được coi là trung tâm sản xuất lương thực của cả nước.

Chuyên gia hiến kế tăng giá trị sản phẩm, thu hút đầu tư từ lương thực - 2

PGS.TS Phan Tại Huân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM phát biểu khai mạc (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Vì thế, việc tìm hiểu, định hình xu hướng phát triển hệ thống thực phẩm phát thải thấp là tiền đề thực thi giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đảm bảo mục tiêu của Chính phủ cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Ông Huân cho biết, ngày nay, nói đến hệ thống thực phẩm, phải nói tới cả một chuỗi (đi từ trang trại tới bàn ăn), nghĩa là phải đi từ sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, tồn trữ trung gian, vận chuyển về nơi chế biến, phát sinh phụ phẩm, phế phẩm... rồi mang thực phẩm đến bàn ăn cho người tiêu dùng. Trong quá trình người tiêu dùng sử dụng cũng phát sinh ra các sản phẩm dư thừa.

Vậy nhưng, nhiều nơi đang tiếp cận vấn đề này ở mức độ đơn lẻ, đơn ngành như ngành nông nghiệp tiếp cận giảm thải khí C02 trên đồng ruộng; bên chăn nuôi giảm phát thải bằng cách điều chỉnh khẩu phẩn ăn...

Hội thảo mong muốn mang đến cách tiếp cận mới mẻ hơn. Các bên liên quan sẽ nhìn nhận thực trạng, đưa ra các mô hình, chia sẻ hay, mới để cùng tác động theo chuỗi.

Tăng giá trị sản phẩm, giữ vị thế cạnh tranh 

Nói về tác dụng của việc giảm phát thải, ngoài những hiệu quả trong giảm thiểu biến đổi khí hậu thì vấn đề phát triển kinh tế xã hội cũng được chú trọng.

PGS.TS Phan Tại Huân nhấn mạnh tất cả các nước, đặc biệt là những nước phát triển công nghiệp hiện nay rất quan tâm tới vấn phát thải. Bởi trong xu thế sắp tới, các sản phẩm như thực phẩm muốn xuất khẩu, giao thương ra thế giới nếu gắn được tới việc trung hòa cacbon, giảm lượng cacbon thì giá trị sẽ được gia tăng.

Chuyên gia hiến kế tăng giá trị sản phẩm, thu hút đầu tư từ lương thực - 3

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Điểm lại báo cáo công bố gần đâu của Liên Hợp Quốc và Ủy ban Biến đổi Khí hậu trên toàn cầu TS Phạm Thu Thủy, CIFOR-ICRAF, Đại học Adelaide, Úc chỉ ra rằng lương thực thực phẩm tạo ra lượng phát thải chiếm 31% toàn cầu. Con số này có thể lên đến 45%, tùy thời gian, mô hình canh tác.

Lượng phát thải từ ngành lương thực, thực phẩm cao hơn các ngành khác cộng lại như giao thông vận tải, lâm nghiệp...

Tuy nhiên, vấn đề giảm phát thải ở lương thực thực phẩm sẽ gặp khó khăn khi động chạm đến an sinh xã hội, sự phát triển kinh tế, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển và có nguồn thu nhập GDP chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp như Việt Nam.

Chuyên gia hiến kế tăng giá trị sản phẩm, thu hút đầu tư từ lương thực - 4

TS Phạm Thu Thủy, CIFOR-ICRAF, Đại học Adelaide, Úc (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Trong đó, khu vực cần đặc biệt quan tâm là Đồng bằng Sông Cửu Long khi đang đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cung ứng chuỗi lương thực thực phẩm tại Việt Nam. Khu vực này đóng: 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu, 70% các loại trái cây của cả nước.

Một vấn đề khác được đặt ra là Việt Nam chỉ đóng góp 1% phát thải từ lương thực thực phẩm, tại sao chúng ta phải quan tâm?

Câu trả lời được bà Thủy nêu ra là trên các diễn đàn quốc tế, việc đóng góp giảm phát thải của Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng bởi tuy nước ta chỉ đóng góp 1% phát thải nhưng tốc độ phát thải lại rất nhanh chóng.

Quan trọng hơn nữa, ngành nghề nông nghiệp của nước ta đang đóng góp vai trò rất lớn cho an ninh lương thực toàn cầu.

Trên thị trường thế giới, khi các quốc gia mua sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang sẽ cùng bị quy trách nhiệm gây ra những dấu hiệu phát thải.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc giảm phát thải sẽ giúp giao thương thuận lợi hơn, đảm bảo vị thế cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư... nhất là nhắm tới các thị trường lớn tại Mỹ và khối Châu Âu.

"Chính sách quốc gia, những biện pháp giảm phát thải sẽ là một yếu tố kiên quyết để những tập đoàn lớn đang đầu tư hay mua các chuỗi cung ứng sản phẩm quyết định chuyển dịch đầu tư xuống các nhà máy công nghệ và chuyển hướng đi tìm những người cung cấp mặt hàng của mình ở đâu", TS Phạm Thu Thủy nhấn mạnh.

Chuyên gia hiến kế tăng giá trị sản phẩm, thu hút đầu tư từ lương thực - 5

Những khó khăn trong chính sách giảm phát thải (Nguồn: Ban tổ chức).

Do đó, để giữ chân và kêu gọi thêm các nhà đầu tư, cần nhanh chóng tạo đủ hành lang pháp lý và chính sách kịp thời để có thể xuất khẩu mặt hàng tới thị trường này.

Các giải pháp được chuyên gia này chỉ ra như: Nâng cao hiệu quả và hiệu ích của quá trình sản xuất; phòng tránh và đảo ngược phát rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa; tiêu thụ khẩu phần ăn có lợi cho sức khỏe và bền vững; hạn chế thất thoát và lãng phí lương thực.