Chuyên gia "giải mã" tâm lý bạo hành tàn độc con riêng của người tình
(Dân trí) - Liên tiếp 2 vụ bạo hành trẻ em dã man, mất nhân tính ở TPHCM, Hà Nội đều liên quan tới "cha hờ", "mẹ ghẻ" khiến dư luận phẫn nộ. Chuyên gia phân tích xu hướng tâm lý dẫn đến hành động tàn ác.
Những ngày qua, dư luận thêm một lần nữa "dậy sóng" trước thông tin bé gái Đ.N.A (3 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nghi bị đóng đinh vào đầu, cùng các dấu hiệu nghi bị bạo hành.
Nghi phạm được xác định là Nguyễn Trung Huyên, nhân tình của mẹ cháu Đ.N.A. Người này ở cùng nhà trọ với mẹ con cháu N.A. sau khi bố mẹ cháu ly hôn năm 2021. Sự việc đang được công an điều tra.
Trước đó, sự việc bé N.T.V.A (8 tuổi, ở TPHCM) bị người tình của bố bạo hành dã man tới chết cũng gây làn sóng phẫn nộ. Những vụ việc đau lòng đặt ra câu hỏi, tại sao trẻ em vô tội lại trở thành nạn nhân của bạo hành sau khi gia đình tan vỡ, bố mẹ ly hôn? Giải pháp nào để bảo vệ trẻ em?
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương - Thường trực tại Thư viện lưu trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này.
- Trong 2 sự việc "mẹ ghẻ", "cha hờ" bạo hành con riêng của người tình ở TPHCM và Hà Nội xảy ra gần đây rõ ràng thể hiện một vấn đề chung: rủi ro với trẻ em khi sống cùng "người dưng", không cùng huyết thống. Dù vậy, những hành động mất nhân tính đó cũng khó lý giải khi người bạo hành trẻ ít nhất cũng là người có mối quan hệ sâu sắc, gắn bó với chính bố/mẹ của trẻ, sao nỡ xuống tay tàn độc?
Chuyên gia Hồng Hương: Trước hết, phải khẳng định những vụ việc "cha hờ", "mẹ ghẻ" bạo hành con riêng của người tình, như chúng ta biết thời gian qua chỉ là thiểu số, chứ có nhiều người rất tử tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo hành con riêng của "nửa kia" của mình như vậy. Trong đó, tôi cho rằng, họ không phải là cha mẹ ruột nên khó cảm nhận tình mẫu tử hơn với người cùng dòng máu, không kiểm soát được hành vi nếu nảy sinh sân hận. Hơn nữa, họ thường là người trẻ, chưa có con nên chưa bao giờ chuẩn bị tâm lý nuôi dạy con, đặc biệt là con riêng của người tình.
Khi sống với người tình thì họ đành phải chấp nhận sống chung nhà với cả đứa con riêng. Có thể một lúc nào đó, họ sẽ nghĩ đứa trẻ chỉ là "vật cản đường" trên con đường tình cảm của họ.
Tôi thấy còn có một hiện tượng tâm lý khá phổ biến, đó là chuyện "cha hờ", "mẹ ghẻ" có những cơn ghen với quá khứ với người cũ. Đứa trẻ lại là hiện thân của quá khứ nên họ lại càng khó yêu đứa trẻ hơn. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra việc bạo hành trẻ.
- Bà có thể lý giải tại sao cha/mẹ sống cùng con ruột, biết nhân tình bạo hành con mình như vậy mà lại thờ ơ, không có phản ứng gì để bảo vệ con?
Lúc đầu cha/mẹ đẻ vẫn yêu con ruột của mình nhưng khi họ sống với người tình mà hàng ngày cứ nghe nhiều lời dèm pha, đánh giá không tốt đẹp về đứa trẻ như: "Nó hư lắm", "không dạy là hỏng", "cục nợ"… có thể dần dần trong đầu họ sẽ tin điều đó là thật.
Nhìn theo góc độ tâm lý thì đó là thuật "ám thị", họ dần trở nên thờ ơ với con. Thêm vào đó, khi họ đang say men tình thì dễ chịu tác động tâm lý từ người tình hơn người khác. Vì vậy mới nói "môi trường mạnh hơn lý trí".
- Nghịch lý là khi hôn nhân tan vỡ, thường là bậc cha/mẹ nào cũng muốn được quyền nuôi con, thậm chí phải trải qua nhiều đấu tranh, thách thức để đạt được việc đó. Nhưng khi toại nguyện rồi thì đứa trẻ dường như lại trở thành "cục nợ" với chính họ?
Đúng là có người cảm thấy như vậy đấy. Nhưng tôi phải nói rõ rằng, con cái là kết tinh của yêu thương chứ không đơn thuần là một minh chứng cho xúc cảm nam nữ.
Tình yêu thương tôi nói ở đây mang tính phụng sự, nó thiêng liêng, cần cả sự hy sinh, thứ đòi hỏi trên cả trách nhiệm, trên cả xúc cảm.
Từ trước đến nay, phần lớn mọi người vẫn có thói quen hôn nhân là cứ cưới thì đẻ mà không có tầm nhìn xa, sự chủ động chuẩn bị để đón chào đứa trẻ hoặc kế hoạch nuôi dưỡng, bảo vệ lâu dài con cái.
Con trẻ chào đời giống như là "giấy phép con" trong kinh doanh những ngành nghề có điều kiện. Nhưng nếu hôn nhân phá sản, cha mẹ dễ dàng giải thể "giấy phép hôn nhân", thì "giấy phép con" kia lại không xóa bỏ được nên bỗng trở thành "cục nợ", thành vướng víu đối với một số phụ huynh.
Đó là lý do tôi nói con cái nên là kết tinh của tình yêu thương, thậm chí là không chỉ của đôi lứa mà rộng hơn là cả gia đình lớn bao gồm ông bà, cô dì chú bác hai bên chứ đừng đơn giản là lẽ tất yếu của hôn nhân. Người lớn làm mọi việc, mọi thứ cho con đều nhằm hỗ trợ sự phát triển của trẻ.
Khi hôn nhân không còn thì con trẻ vẫn cần được yêu thương, giáo dưỡng đủ đầy và bỏ mặc trẻ là một tội ác không thể dung thứ.
- Nhiều người cũng lý giải động cơ của những hành động bạo hành trẻ là để "trút giận" với những "vật sở hữu" không được hài lòng như mong muốn?
Tôi nghĩ rằng đó là một tư tưởng không đúng. Đứa trẻ là một thực thể có mối quan hệ tương thuộc với hôn nhân chứ không phụ thuộc vào hôn nhân.
- Bà có thể giải thích rõ hơn điều đó không?
Xét về mặt pháp luật, khi một đứa trẻ ra đời thì ngay lập tức được xác nhận là một công dân, được đặt tên, cấp giấy chứng sinh. Trẻ được ưu tiên nuôi dưỡng và chăm sóc chứ không phải thuộc quyền sở hữu của ai. Không phải bạn sinh con ra rồi làm gì tùy thích.
Cá nhân tôi nghĩ trẻ nhỏ là món quà được ban tặng để trải nghiệm rằng việc được làm cha mẹ rất thiêng liêng mà khi không có con, người ta khó lòng "cảm" được. Nhờ những đứa trẻ mà cha, mẹ trưởng thành hơn.
Dưới góc nhìn của tâm lý giáo dục, chúng ta thấy rất rõ, con cái chỉ mang ảnh hưởng của cha mẹ trong hành xử chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ.
Vậy thì mọi người đã thấy rõ đứa trẻ là một thực thể tương thuộc với hôn nhân chứ không phụ thuộc vào hôn nhân. Rõ ràng không có hôn nhân đứa trẻ vẫn có thể được chào đời và được giáo dưỡng, nuôi lớn.
- Thực tế cuộc sống hiện tại, ly hôn không còn là chuyện xa lạ, tỷ lệ ly hôn trong xã hội đã cao hơn rất nhiều. Vậy cần làm gì để bảo vệ trẻ em hậu ly hôn, khi cuộc sống của trẻ có khả năng rất cao xuất hiện người thứ ba không cùng máu huyết, không cùng mối ràng buộc sâu sắc?
Có 3 điểm lưu ý. Đối với cha mẹ trẻ, các phụ huynh cần hiểu được rằng, đứa con là kết tinh của yêu thương và đồng thời là một thực thể có mối quan hệ tương thuộc với hôn nhân chứ không phụ thuộc vào hôn nhân, như tôi đã nói. Khi cha mẹ hiểu được điều đó thì những đứa trẻ chắc chắn có được vị thế và được bảo vệ ngay cả khi cha mẹ không còn sống bên nhau.
Đối với người thân của trẻ như ông bà, cô dì chú bác hai bên, đó cần là hệ thống đỡ đầu và giám hộ thông qua việc thăm hỏi thường xuyên nhằm kết nối, bồi đắp mối quan hệ với con cháu mình.
Dù không còn là dâu, rể trong nhà nhưng mãi mãi người kia vẫn là cha/mẹ của con cháu mình. Sự phát triển và kết nối của các con với gia tộc phụ thuộc vào mối quan hệ giữa cha mẹ trẻ sau khi ly hôn và cách ứng xử của gia đình hai bên.
Đối với công tác xã hội, sẽ thật tốt nếu sau khi tòa phán quyết và xử ly hôn xong, chúng ta có những hệ thống đôn đốc, giám sát việc hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên đối với trẻ. Nếu có hệ thống hỗ trợ tâm lý hôn nhân trước, trong và sau quá trình ly hôn thì dù có khó khăn đến đâu, chắc chắn là khi tâm của người chăm sóc trẻ an yên thì những đứa trẻ sẽ không còn phải làm nơi xả giận cho người lớn.
- Cám ơn bà về cuộc trao đổi!