Chuỗi hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH
(Dân trí) - Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH được tổ chức ở nhiều địa điểm trên toàn quốc, đúng dịp kỷ niệm ngày lập nước.
Ngày 6/11, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VI ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm đánh giá tiến độ triển khai, xác định thời gian, địa điểm và nội dung chuẩn bị cho chuỗi hoạt động.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát, đây là sự kiện quan trọng, không chỉ với ngành mà còn đối với đất nước và dân tộc, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Do đó, công tác tổ chức cần được thực hiện với trách nhiệm cao, khơi dậy niềm tin, tự hào về lịch sử cách mạng của ngành, đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo, các hoạt động cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm, để lại dấu ấn sâu sắc trong ngành và xã hội. Đồng thời, các sự kiện phải có tính lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho cộng đồng và xã hội.
Ông lưu ý, để đảm bảo tổ chức thành công chuỗi hoạt động dịp kỷ niệm đặc biệt này, có 8 công việc trọng tâm cần thực hiện, thay vì 7 đầu việc như kế hoạch ban đầu. Các hoạt động đòi hỏi sự tham gia của toàn thể cán bộ, đảng viên trong ngành với phạm vi triển khai rộng khắp cả nước.
Một trong những hoạt động nổi bật là chương trình tuyên dương "Những tấm gương sáng vì cộng đồng". Chương trình dự kiến tổ chức vào 25/3/2025, đúng ngày Công tác xã hội. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ để lựa chọn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, thực sự xứng đáng, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Hội trường Thống Nhất (TPHCM) được lựa chọn là nơi tổ chức sự kiện, với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu.
Về việc tri ân người có công, Bộ trưởng yêu cầu tập trung vào các vùng chiến khu cách mạng và các địa bàn trọng điểm, nơi có nhiều nhân chứng lịch sử, người có công trực tiếp với cách mạng, đặc biệt là các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa…
Dự kiến chương trình tri ân được tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 7/2025, với quy mô 500 đại biểu tham dự.
Một hoạt động quan trọng khác là gặp mặt nhân chứng lịch sử. Bộ trưởng gợi ý chọn 100-120 người sống sót qua các thời khắc lịch sử quan trọng như năm 1945, 1954, và 1975. Cuộc gặp mặt dự kiến sẽ diễn ra tại Phủ Chủ tịch nhân dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và dịp Quốc khánh 2/9.
Lãnh đạo Bộ cũng lưu ý kết hợp tổ chức Đại hội thi đua yêu nước với Lễ Kỷ niệm 80 năm thành lập ngành thành một chương trình, với quy mô khoảng 500 người tham dự. Trong dịp này, ngành cũng tổ chức vinh danh, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.
Về công tác xây dựng tài liệu lịch sử, Bộ trưởng giao chuẩn bị 3 nội dung quan trọng: phim tài liệu về ngành, cuốn sách lịch sử - sự kiện và sách ảnh. Bộ phim tập trung vào lịch sử 80 năm và những điểm nhấn trong 10 năm qua. Còn sách lịch sử sẽ nhấn mạnh các dấu mốc quan trọng và chính sách xã hội của ngành đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Việc tổ chức phòng truyền thống ngành LĐ-TB&XH, khu nhà A tại trụ sở Bộ được chọn làm nơi trưng bày các tư liệu và hiện vật có ý nghĩa lịch sử, gắn liền với các dấu mốc quan trọng của ngành.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tu sửa các công trình ghi dấu của ngành, đặc biệt là Bia ghi dấu tại xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang), một trong những nơi có dấu ấn lịch sử sâu sắc của Bộ trong thời kỳ kháng chiến.