"2024 là năm để ngành LĐ-TB&XH tăng tốc, bứt phá"

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Qua năm 2023 gặt hái nhiều thành quả dù bối cảnh khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đặt ra những mục tiêu cao nhất cho kế hoạch năm 2024.

Vấn đề này được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung quán triệt, nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2024 được tổ chức sáng 26/12.

Gợi ý thảo luận tại hội nghị, Bộ trưởng muốn lãnh đạo các cơ quan, địa phương tập trung vào những giải pháp để bắt tay thực hiện ngay kế hoạch năm 2024. Yêu cầu này trở đi trở lại trong suốt chương trình nghị sự. 

Đánh giá một lần nữa khi kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2023 là một năm khó khăn, thử thách nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, đặc biệt sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, công nhân viên toàn ngành mang đến những kết quả quan trọng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. 

2024 là năm để ngành LĐ-TBXH tăng tốc, bứt phá - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Mạnh Quân).

Về nhiệm vụ năm 2024, Bộ trưởng nhận định, tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp; kinh tế tiếp tục còn đối mặt với khó khăn thách thức. Tuy nhiên, đây là năm để ngành tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu kế hoạch đề ra.

Với phương châm đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển, Bộ trưởng mong muốn toàn ngành thống nhất cao tinh thần trong năm tới, nỗ lực hoàn thành năm 2024 với kết quả cao hơn năm 2023, đặc biệt phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Đó là, duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%; giảm nghèo đạt chuẩn đa chiều trên 1%.

Đồng thời, ngành tự đề ra mục tiêu hoàn thành 16 chỉ tiêu của ngành, trên tinh thần không có chỉ tiêu nào không làm.

Để làm được việc này, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh, trước hết cần tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 của Trung ương. Toàn ngành sẽ tổ chức học tập chuyên đề, đặc biệt 5 quan điểm mới, 6 nội dung, 11 nhiệm vụ, 3 đột phá. Ngành cũng sẽ tham mưu Chính phủ ban hành chương trình hành động phát triển của Chính phủ.

Đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng thể chế, trọng tâm là trình Quốc hội thông qua Luật bảo hiểm xã hội, Luật việc làm sửa đổi.

Những kết quả nổi bật lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2023

Trong năm 2024, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững.

Mục tiêu khác là tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng thị trường lao động đặc biệt những vấn đề mới như chip, bán dẫn, thị trường tín chỉ carbon…

Một nhiệm vụ trọng tâm nữa Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đó là phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dân tộc thiểu số.

Trong đó, chú trọng 3 vấn đề, vừa phòng ngừa, khắc phục vừa thích ứng rủi do hướng tới xây dựng lưới an sinh bao trùm, bền vững, mọi người đều được tham gia và thụ hưởng thành quả xã hội.

2024 là năm để ngành LĐ-TBXH tăng tốc, bứt phá - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý việc chăm lo tết với người có công, đối tượng yếu thế trong xã hội (Ảnh: Mạnh Quân).

Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên lĩnh vực người có công và xã hội để hoàn thiện hệ thống cơ sở an sinh xã hội trên tất cả lĩnh vực.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lao động, người có công với xã hội, siết chặt kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Khắc phục hiệu quả tình trạng "đá bóng" trách nhiệm, "thấy khó thì né, phức tạp thì đùn đẩy", để làm sao thực thi hiệu quả chính sách, để người dân được thụ hưởng những thành quả của phát triển.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể quan tâm đầy đủ, toàn diện hơn đối với người có công, các đối tượng yếu thế trong xã hội với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.