Chồng thản nhiên đánh vợ, sao phụ nữ vẫn khổ sở chịu đựng?
(Dân trí) - Khi những clip hay thông tin về chuyện chồng bạo hành, đánh đập vợ kinh hoàng xuất hiện, nhiều người phải thốt lên "chị em... quá nhu nhược".
Ròng rã sống trong bạo hành
Mới đây, bài viết của cô con gái kể lại ký ức phơi bày về người cha thuộc giới văn nghệ sĩ gây bàng hoàng. Ở đó phơi bày sự thật về người cha vẻ ngoài nhã nhặn, lịch sự nhưng thường xuyên bạo hành vợ với những chiêu thức kinh hoàng.
Từ bé, cô gái đã chứng kiến cảnh bố nắm tóc, quật mẹ ra sàn, đứng từ trên cao đấm thẳng xuống từng cú liên tiếp, dùng phản đập liên tục lên đầu mẹ. Người bố lôi mẹ cô vào nhà vệ sinh đập đầu vào bồn rửa đến vỡ cả bồn, khiến bà gãy cả răng...
Đó cũng là ký ức ông bố chọi thẳng con dao về phía người phụ nữ là một nửa của đời mình, quật bà ra sàn mà đấm mà đánh. Trong những trận bạo hành của chồng, người mẹ đuổi cô con gái trốn vào nhà vệ sinh. Chính cô gái cũng là nạn nhân bị bố bạo hành...
Người vợ, người mẹ trong sự việc này sống chung trong cảnh bị chồng đánh đập, bạo hành, tra tấn ròng rã khoảng 20 năm, cho đến ngày ly hôn...
Rồi clip bạo hành, đánh đập vợ kinh hoàng ở Đà Nẵng xuất hiện chỉ vài ngày trước làm nhiều người ngạt thở không dám xem hoặc xem rồi thì không thể nào dứt khỏi nỗi ám ảnh.
Gã đàn ông rượt đuổi, tung từng cú đá, cú đấm vào mặt người vợ đang khóc lóc thảm thiết. Khi vợ bất động, người này ung dung đứng bấm điện thoại rồi tiếp tục ra tay đánh đập khi nạn nhân nhúc nhích lại, ngay trước mặt con cái... Những hình ảnh đó phơi bày một bên là tận cùng của khốn nạn và bên kia là tận cùng của đau đớn.
Trong gần 10 năm hôn nhân, người phụ nữ 33 tuổi trong sự việc này đã không còn xa lạ với những bạo hành như vậy. Đến hôm nay, có lẽ khi không còn sức để chịu đựng thêm, chị đã lên tiếng.
Đau lòng hơn, những hình ảnh này không phải là chuyện cá biệt trong nhiều gia đình. Đâu chỉ 10 năm, 20 năm, 30 năm, có những người phụ nữ là mẹ, là bà, là những người bé gái sống chung với cảnh đánh đập, bạo hành như vậy cho đến hết cả cuộc đời.
Những vết thâm, vết thương, máu chảy, tay chân gãy cho đến bao thương tổn về tinh thần chính là một phần trong đời sống hôn nhân của không ít phụ nữ.
Khi phụ nữ sợ dư luận hơn cả đòn roi của chồng
Trước những clip chồng bạo hành, đánh đập vợ tàn bạo, bà Trần Thu Hà, tác giả hàng loạt cuốn sách về dạy con cho rằng, luôn có người mắng sao chị vợ nhu nhược, sao không chạy đi, sao không kêu cứu, sao không đánh lại... Thậm chí còn có những lời mỉa mai "ngu thì chết".
Tuy nhiên, theo bà Hà, không phải ai đó nói "chạy đi" là những nạn nhân ấy sẽ chạy. Đừng tưởng rằng xúi "đánh lại đi" là người phụ nữ sẽ đánh lại. Có những việc mà người này thấy quá ư dễ dàng thì người khác mãi mãi không thể làm được.
Bởi vì những điều này được cài đặt sẵn từ trong tiềm thức của cá nhân, không phải cứ mang lý trí ra quyết là xong, không phải cứ muốn là được, cứ nói là hiểu, cứ giục là sẽ làm.
Khi bị chồng đánh, việc chạy trốn ngược vào trong nhà hay chạy ra ngoài đường để thoát thân là hai hệ tư tưởng trái ngược nhau.
Bà Hà phân tích, người phụ nữ còn nín lặng chịu đựng khi cô ấy vẫn hi vọng gia đình mình còn cơ may cứu vãn, chồng còn cơ may thay đổi, con còn cơ may có đủ cha đủ mẹ…
Điều kinh khủng nhất với việc người phụ nữ chạy ngược vào trong nhà là khi cô ấy còn nghĩ rằng mình cũng có lỗi, là khi cô ấy còn thấy những lời đàm tiếu của người đời có khi đau đớn hơn đòn roi của chồng.
"Cô ấy chỉ chạy ra ngoài thoát thân khi tin chắc rằng bên ngoài có người bênh vực mình, tin rằng "xấu chàng" thì chả "hổ ai", chồng mất mặt thì không phải là ngày tận thế của vợ và của con", bà Hà bày tỏ.
Nhưng đó là chuyện, theo bà Hà, không hề dễ dàng. Dư luận vẫn còn quen thói sẵn sàng lăn vào bình phẩm chuyện nhà khác, đánh giá nhân phẩm của người khác, rằng "có thế nào thì chồng mới thế chứ", rằng "gái chê chồng chẳng chứng nọ cũng tật kia"… Khi đó sẽ vẫn còn những cô vợ không dám phản kháng lại với chuyện phi nhân tính của chồng.
Những điều bà Hà phân tích, phần nào thể nghiệm ngay trong sự việc con gái lên tiếng tố cáo cha bạo hành mẹ cô. Ngay lập tức, hàng loạt những lời mỉa mai hướng vào mẹ con cô, rằng "vợ con thế nào mới vậy" của cả những người được gọi là tri thức.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nêu quan điểm, chừng nào hôn nhân và gia đình vẫn là những phép đo để đánh giá phụ nữ thì chừng đó phụ nữ vẫn khó mà có độc lập để đạt đến sự bình đẳng.
Người phụ nữ không có hoặc bỏ chồng bị đánh giá thấp trong xã hội Việt Nam. Vì vậy, nhiều người phải chịu đựng cho dù gia đình đã rách nát và độc hại.
Theo bà Hồng, nhiều khi nguyên nhân khiến người phụ nữ không thể dứt áo ra đi lại chính là quan niệm "gia đình trọn vẹn" để cho con cái có đủ cha mẹ. Nhiều khi họ cắn răng chịu đựng vì sợ con gái mình sẽ khó lấy chồng nếu mẹ nó ly dị… Nhiều khi chính cha mẹ đẻ của người phụ nữ lại là những người quyết liệt ngăn cản con gái mình thoát ra khỏi ngục tù hôn nhân…
Một ý kiến khác cũng bày tỏ, đa số bạo lực gia đình và các bi kịch từ bạo lực gia đình không chỉ ở kẻ bạo lực và nạn nhân. Nó còn nằm ở phông văn hóa và môi trường xã hội nữa. Đó mới chính là mảnh đất màu mỡ cho bạo lực gia đình phát triển và các bi kịch tồn tại.
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo tình trạng thiếu một môi trường an toàn, lành mạnh cho phụ nữ để họ lên tiếng về việc bị bạo hành. Thậm chí, một lần nữa, họ còn có thể trở thành nạn nhân của đàm tiếu, đả kích...
Gia đình khắc nghiệt đẩy con đến tay người gây đau đớn
Bà Trần Thu Hà cho rằng, khi có bạo lực trong gia đình, bố mẹ hãy biết lo lắng ngay cho những đứa con đang ở bên cạnh mình.
Ngay tối nay, ngay sáng mai và những ngày còn lại, đừng nhân danh tình yêu mà đánh con. Đừng có vừa đánh con vừa nói "Vì mẹ/cha thương con nên mới đánh con", đừng nói: "vì muốn dạy con nên người nên ba mẹ đánh con!", đừng nói "thương cho roi, cho vọt", đừng nói "những nơi cay đắng là nơi thật thà"...
Nếu đã quen với sự rèn giũa khắc nghiệt của ba mẹ, đến khi ra ngoài đời, giữa những chàng trai xung quanh, người con gái sẽ có xu hướng chọn kết đôi với người có thể gây đau đớn cho mình.
Khi thấy mình sai thì bị đánh, bé trai đó được dạy rằng nên dạy vợ bằng bạo lực.
Những trận đòn tuổi thơ sẽ ảnh hưởng nặng nề tới cả cuộc đời của đứa trẻ.