Chồng nghèo kiết xác, góp 2 triệu/tháng vẫn than vợ "suốt ngày chỉ tiền"
(Dân trí) - Cãi vã, gào thét mãi, Mến mới ép được Đạo góp 2 triệu đồng/tháng lo cho gia đình, con cái. Nhưng đến tháng cô hỏi là anh lại chơi bài... cù nhầy và chê bai vợ "sống chỉ biết tiền".
Làm "ô sin" còn phải... nuôi cả ông chủ
Chị Nguyễn Thị Mến (32 tuổi, ở TPHCM) đã buông lời cay đắng gọi chồng là thành phần... nghèo kiết xác, vô tích sự vì thực tế cuộc sống hôn nhân đang trải qua. 6 năm trước chị bất chấp mọi lời ngăn cản, góp ý, quyết cưới cho bằng được "hoàng tử của đời em".
Đạo lớn hơn chị 2 tuổi. Từ ngày yêu, chồng chị đã công việc không ổn định, làm đâu cũng chỉ được một thời gian là nghỉ, triền miên trong cảnh thất nghiệp.
Hồi đó, Đạo là người lớn tuổi nhất thuê trọ trong căn phòng ẩm thấp, rẻ tiền ở Quận 12. Từ ngày ra trường, để nuôi được thân Đạo đã vô cùng trầy trật, thường xuyên vay chỗ này đập chỗ kia.
Khi quen nhau, Mến bị vẻ lãng tử, sống không xem nặng vật chất của anh... hớp hồn. Tình yêu của hai người trải qua những ngày dắt nhau đi ăn đồ vỉa hè, uống nước mía hoặc mua thực phẩm về phòng trọ của Đạo cùng nấu nướng, ăn uống toàn bằng tiền của Mến.
Đạo đi làm bấp bênh, một năm dăm bảy tháng nằm nhà, Mến đồng cảm, chia sẻ là "do yếu tố khách quan". Cô gạt đi những lời can gián "đừng lấy trai nghèo hèn", "sẽ khổ cả đời", tự nhủ là do mọi người chưa nhìn thấy tài năng, không hiểu lý tưởng, khát khao của anh. Làm ở đâu cũng chỉ được thời gian ngắn, anh không chê ngang chê dọc thì cũng bị cho nghỉ việc.
Hai năm yêu nhau và đến tận bây giờ, Mến chưa từng nhận được một món quà có giá trị nào từ anh. Thời trẻ dại, cô cho mình là cao cả, đến với người ta xuất phát từ tình cảm trong sáng, nghèo mà thương nhau, tình yêu không để nhuốm màu vật chất.
Nghĩ lại, Mến cũng không thể hiểu nổi mình. Ngày đó, Đạo vét túi đưa cô đúng 2,5 triệu đồng góp vào tiền cưới hỏi. Còn mọi khoản tiền, từ nhẫn cưới, chụp ảnh, vé máy bay tới đặt xe, đặt tiệc cưới, một mình xoay xở mà cô vẫn cười tươi bước lên xe hoa nổi.
Sau lễ cưới, cuộc sống chung mới đúng là thảm họa, bao nhiêu mộng mơ đổ sụp. Mọi thứ từ tiền trọ, tiền ăn uống, chi tiêu của cả hai vợ chồng... Đạo phó mặc cho vợ, như thể không liên quan đến mình. Anh viện dẫn, công việc của mình không ổn định, lương ba cọc ba đồng, thậm chí còn thường xuyên phải... lấy tiền trong ví vợ tiêu.
Vậy nhưng, điều Mến đau đớn nhất khi nhận ra Đạo không chỉ nghèo về tiền mà còn khốn cùng về trách nhiệm, cực tính toán với vợ con. Ngay cả những thời điểm đi làm, buôn bán có đồng ra đồng vào, anh vẫn sẵn tâm lý ỷ lại "tiền mình bỏ túi, tiền nhà vợ lo".
Có chút tiền là Đạo mua sắm cho bản thân hoặc thể hiện sự hào phóng với người ngoài nhưng anh lại tính toán, keo kiệt với vợ. Mến nhớ như in, ngày cô đi sinh, anh còn ngửa tay yêu cầu vợ đưa tiền để anh xoay xở tiền viện, tiền ở cữ.
Lần đầu, người vợ bật khóc khi thấy phận mình lấy chồng chẳng khác nào làm ô sin hầu hạ cơm nước, chăn gối không lương mà còn phải nai lưng ra nuôi ông chủ.
Mến thu nhập không đến nỗi nào nhưng một thân gồng gánh nên không dư giả nổi. Cưới nhau từ lâu, hai người vẫn phải đi thuê trọ. Bạn bè tuổi này ai cũng đã ổn định, Đạo vẫn tỉnh bơ "vợ giỏi cứ mua đi" như chuyện không hề liên quan đến mình khi Mến bàn đến chuyện gom góp mua nhà.
Sau khi sinh con, quá mệt mỏi vì bao nhiêu năm nai lưng nuôi chồng, Mến làm cuộc "nổi dậy", yêu cầu anh phải góp tiền lo chi tiêu gia đình. Sau trận cằn nhằn "con vợ suốt ngày chỉ biết tiền và tiền", Đạo chấp nhận góp... 2 triệu đồng/tháng.
Nhưng năm thì mười họa, Mến mới cầm được tiền từ chồng. Đạo không bao giờ chủ động đưa, Mến phải hỏi thì y như rằng vợ chồng có chuyện... Đạo chê vợ thực dụng, vợ chồng mà tính toán với nhau, "suốt ngày chỉ tiền, tiền".
Bi kịch của cái nghèo: Không chỉ đói ăn đói mặc!
Mến nhận ra anh chồng "nguyên combo" vừa nghèo vừa thiếu ý chí, vô trách nhiệm... Cô ngấm bi kịch "lấy chồng nghèo" là cuộc sống thiếu thốn, thường xuyên lục đục, cãi vã; cảm giác uất ức khi phải đứng ra mọi thứ; con cái thua thiệt đủ kiểu.
Và thêm một điều, cái nghèo về tiền bạc lẫn tư duy của Đạo làm cho khoảng cách, quan điểm của sống của hai ngày càng khác biệt. Mấy cụm từ chê bai, khi chồng nghèo thường dùng để phê phán các bà vợ là ham vật chất đến giờ Mến hiểu mang nhiều ý nghĩa hơn vậy.
Phía sau người chồng nghèo là sự lười biếng, ỷ lại, vô trách nhiệm lại còn hay chê bai, bất mãn với thành công của người khác. Thấy bạn thành công, Đạo hả hê kể "thằng đó ngày xưa học dốt nhất lớp"; bạn bè sắm nhà sắm xe thì bảo "chắc nó trúng số"; bạn thăng tiến thì đổ tội "nó giỏi nịnh bợ".
Đủ tính xấu làm ra... cái nghèo ở Đạo và nghèo lại kéo theo đủ thứ chuyện. Anh hay tự ái, lúc nào cũng tỏ thái độ... "cô kinh thường tôi". Lười biếng, không nỗ lực nhưng lúc nào cũng trịnh thượng, yêu cầu vợ phải biết chia sẻ, thông cảm, phải cố gắng vì chồng và gia đình chồng.
Rồi trong cách anh dạy con, cũng sặc mùi tằn tiệm và áp đặt. Mến mua đồ cho con hay muốn con học cái này cái kia là anh tức tối, khó chịu. Đạo còn suốt ngày chê bai trẻ nhà giàu hư hỏng này kia với con nhưng lại yêu cầu con, sau này phải kiếm tiền... nuôi bố.
Từ trải nghiệm của chính mình, bà mẹ trẻ đã từng phải buông lời đúc kết "thà ế chứ đừng lấy chồng nghèo". Lỡ yêu anh nào nghèo thì cứ yêu thôi, đừng... rước về làm khổ luôn đời con cháu.
Khi yêu có nhiều phẩm chất của đối phương mà người trong cuộc chưa thấy hết được nhưng chị Mến nhận ra, chí ít, mặt tiền bạc là thứ có thể... đong đếm. Điều này thể hiện qua công ăn việc làm, chí tiến thủ, kiếm được thu nhập để lo được cho bản thân và xây dựng gia đình.
Theo chị Mến, những câu anh nghèo nhưng tốt bụng, có trái tim vàng, ngại gì túp lều tranh... thì đừng tin. Bởi nếu có trái tim vàng thật, họ sẽ nỗ lực để lo cho cuộc sống của mình, của người thân, gia đình chứ không để những người mình yêu thương chìm trong túp lều.
"Quen phải chàng trai nghèo, hãy gạch đầu dòng để trả lời "vì sao anh ta nghèo?", chị Mến thở dài.
Một nhà xã hội học tại TPHCM chia sẻ, hiện nay nhiều phụ nữ phải gồng gánh cả việc nhà, nuôi dạy con lẫn lo kinh tế vì chồng nghèo, lười biếng, thiếu trách nhiệm. Trở thành trụ cột gia đình về mặt kinh tế, người vợ chịu nhiều gánh nặng, áp lực...
Theo bà, vấn đề này cần được giải quyết tận gốc là các gia đình hãy quan tâm nuôi dạy những bé trai mạnh khỏe, giỏi giang, chăm chỉ, tự lập, sống có trách nhiệm và dạy các bé gái biết cách chọn chồng cho mình, chọn cha cho con.