Chống bóc lột lao động trẻ em: Cần chung tay của cả xã hội
(Dân trí) - Với hơn 1,7 triệu lao động trẻ em, chiếm gần 10% số trẻ em cả nước, việc quan tâm đến biện pháp bảo vệ lao động trẻ em luôn là nhiệm vụ đặt ra hàng đầu.
Theo khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Tổ chức Lao động Quốc tế và Tổng cục Thống kê hiện Việt Nam có 1,75 triệu lao động trẻ em, chiếm 9,6% số trẻ em. Do đó, vấn đề xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em (LĐTE) ở nước ta đặt ra nhiều thách thức, cần sự chung tay của toàn xã hội.
Hiện, tình trạng sử dụng trẻ em trong độ tuổi đi học còn phát sinh nhiều, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH và ILO, trong số lao động trẻ em chỉ có 45,2% hiện vẫn còn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, trẻ từ 15 tuổi trở lên có những điều kiện đầy đủ như học hành, có sức khỏe mới được lao động. Tất nhiên, lao động ở mức độ nào cũng là điều mà cha mẹ cho đến những người sử dụng lao động cần lưu ý.
Trong đó, có những quy định như không được làm ban đêm, không được làm 8 giờ mỗi ngày và không được làm những công việc cấm. LĐTE không chỉ ảnh hưởng tới tương lai của chính các em mà còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, không ít lao động trẻ em dưới 15 tuổi phải làm bất cứ việc gì để kiếm tiền. Lao động sớm làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ, khiến trẻ không có cơ hội học hành, phát triển nhân cách phù hợp với độ tuổi.
Điều này đặt các em vào những nguy cơ dễ bị bóc lột, dễ bị lạm dụng, thậm chí là bị buôn bán, bạo lực, bạo hành. Trẻ em tham gia lao động sớm có thể tạo ra lợi ích vật chất cho xã hội, nhưng về lâu dài, lợi ích do lao động trẻ em mang lại không thể bù đắp sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu cũng như hệ lụy đối với gia đình, xã hội.
Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng, Việt Nam là một nước lao động thuần nông, ranh giới giữa trẻ em giúp gia đình lao động với lao động quá sức rất gần.
Bà này cho rằng, vì đặc thù như trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật trong cộng đồng, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sử dụng LĐTE trái quy định.
Bà Hồng cho biết, để trẻ em không bị bóc lột lao động, các gia đình phải được tuyên truyền một cách đầy đủ, giúp các bậc cha mẹ nhận thức về quyền trẻ em, trẻ có thể lao động ở mức độ nào, làm những công việc gì.
"Cha mẹ không nên khuyến khích con làm việc quá sức hoặc quá thời gian, nhất là có những nghề không nên dạy cho trẻ quá sớm", chuyên gia Hồng nói.