Cho nhiều tiền không phải là "cú huých" để chị em phụ nữ sinh thêm em bé!
(Dân trí) - Bộ Y tế đề xuất tặng tiền, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em ở vùng sinh thấp, tuy nhiên, các chuyên gia, bản thân những người phụ nữ thụ hưởng chính sách này đã chỉ ra những vấn đề chưa thuyết phục.
Chia sẻ với PV Dân trí, chị Vũ Phương Anh (28 tuổi) tại quận 12, TPHCM cho rằng: Tâm lý ngại sinh của chị em tại TPHCM một phần đến từ chi phí nuôi dưỡng một trẻ em quá lớn trong bối cảnh các khoản trợ cấp không có.
"Gia đình trẻ tại thành phố đều phải tự chủ từ công việc đến chăm lo con cái. Nếu không có bố mẹ trợ giúp bên cạnh, họ phải gửi trẻ tại các cơ sở mầm non. Hiện hệ thống trường mầm non tại các thành phố lớn chịu sức ép lớn do mật độ dân số đông, thiếu nhà trẻ mầm non công lập, đa phần gia đình phải gửi tư nhân, rất tốn kém", chị Phương Anh cho biết.
Chị Phương Anh có con nhỏ 4 tuổi và đang phải gửi mầm non tư nhân với phí hơn 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là mức chi phí thấp nhất ở TPHCM, trong khi đó các trường mầm non công lập là 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng.
"Dịch bệnh, con trẻ chưa được đi học, bố mẹ hai bên đều ở xa, chúng tôi phải gửi sóc nhỏ cho cô giáo dạy mầm non 300.000 đồng/ngày. Nghĩ đến việc vừa đi làm, hai vợ chồng vừa lo lắng cho con ăn học, quả là chúng tôi chưa dám nghĩ tới việc sinh nở thêm dù cho có được thêm tiền", chị Phương Anh cho biết.
Theo một chuyên gia về giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đa phần các chị em phụ nữ ngại sinh do áp lực cuộc sống quá lớn, khiến hai vợ chồng đều phải tính toán cho kế hoạch sinh một trẻ. Nhiều trường hợp vợ chồng trẻ dù có bố mẹ hai bên trợ giúp, nhưng chị em vẫn không muốn sinh vì họ quan niệm là sinh con ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe thể chất, sự nghiệp...
"Đây là tâm lý chung, dù không công khai nhưng dưới nhiều gia đình, mái ấm, tình trạng này vẫn xảy ra", chuyên gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu.
Ngoài áp lực về cuộc sống, chi phí chăm sóc nuôi dưỡng trẻ và ảnh hưởng đến sắc đẹp, chị em phụ nữ ngại sinh còn do yếu tố hỗ trợ từ gia đình, xã hội ít.
"Đa số phụ nữ nuôi con phải vất vả hơn chồng, thậm chí có sự hỗ trợ của phụ huynh, chăm nuôi đứa trẻ vẫn phần lớn thuộc về người mẹ. Bất bình đẳng trong chăm sóc trẻ nhỏ vẫn còn đó, trong khi nhiều người vợ, người mẹ vẫn phải vừa nuôi con, vừa đi làm, vừa chăm sóc gia đình", chuyên gia Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội (ISDS) cho hay.
Theo một số chuyên gia, ở các địa phương thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam bộ mức sinh thấp là do chị em phụ nữ làm nông nghiệp không đóng bảo hiểm và khi sinh nở không được hưởng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, do giá trị sản xuất nông nghiệp hiện không cao, máy móc đang thay thế nhiều sức lao động con người nên nhu cầu sinh nở để có người lao động trong gia đình không bức thiết như trước.
Về chính sách hỗ trợ tiền một lần và hỗ trợ chi phí học tập của trẻ em vùng sinh thấp, nhiều chuyên gia xã hội học hoặc bản thân chị em phụ nữ đều không mấy mặn mà, xem là cú huých.
Theo chị Vũ Phương Anh, việc cho tiền trợ cấp một hoặc 2 tháng lương cơ bản khi sinh em bé không giải quyết được vấn đề.
Chị này cho rằng, chi phí ăn học cho trẻ, các chi phí cho sức khỏe, dinh dưỡng và các vấn đề bình đẳng trong công việc phải được Nhà nước hỗ trợ hoặc đảm bảo hỗ trợ mới giải quyết được tỷ lệ sinh thấp của các phụ nữ hiện đại.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho biết, tỷ lệ sinh thấp ở các nước phát triển như Đức, Nhật dù Nhà nước có hỗ trợ rất nhiều tiền, chi phí nuôi dậy con cái không quá lớn do được hỗ trợ, nhưng tỷ lệ sinh vẫn thấp.
Theo bà Hồng, đối với Việt Nam, tương lai Việt Nam có thể đối mặt với vấn nạn tỷ lệ sinh thấp nếu những vấn đề bình đẳng giới trong chăm sóc con nhỏ, gia đình và công việc chưa được đảm bảo. Nguyên nhân cốt yếu của việc sinh thấp là chi phí nuôi dưỡng, sức khỏe thể chất, tinh thần và sự nghiệp của chị em phụ nữ cần được xã hội quan tâm, thức tỉnh.